TIÊM PHÒNG VACCINE COVID-19 “ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT” ĐỂ QUAY TRỞ LẠI CUỘC SỐNG “BÌNH THƯỜNG MỚI”

     Đại dịch Covid-19 lây lan và kéo dài đã và đang gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như an sinh xã hội đất nước, làm đảo lộn trật tự cuộc sống của tất cả mọi người dân trên cả nước nói chung và đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nói riêng. Trước diễn biến dịch có chiều hướng ngày một căng thẳng hơn như hiện này thì việc dập dịch triệt để 100% là điều hoàn toàn không dễ dàng. Theo các nhà khoa học, Virus corona đang liên tục xuất hiện biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh hơn và tồn tại lâu hơn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng sẽ không thể bị triệt tiêu mà sẽ mãi tồn tại dưới nhiều loại biến chủng khác nhau. Và các nhà khoa học cũng cho rằng  "Theo quy luật tiến hóa thông thường, về lâu dài virus tuy có khả năng lây lan nhiều nhưng lại ít nguy hiểm hơn (độc lực giảm)”..

     Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận rằng phương án chống dịch để đưa tỉ lệ ca nhiễm về mức 0 là điều không thể, ít nhất là trong giai đoạn này khi tỉ lệ ca mắc mới trong cộng đồng đang không ngừng tăng .Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng tính chất và mức độ của đợt dịch lần này khác so với những lần trước, dịch đã và đang ngấm sâu vào cộng đồng. Hiện nay càng nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận kịch bản “Covid-19 không thể bị xóa sổ” và chọn lựa phương án “Sống chung với dịch” thay vì cố gắng gồng mình thực hiện các biện pháp đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội. Vậy, liệu đã đến lúc Việt Nam nên chấp nhận lựa chọn việc “Sống chung với dịch” ? Và làm thế nào để chúng ta thích nghi và chung sống với dịch một cách vừa hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân?

     Đúng vậy, điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể an tâm khi “Sống chung với dịch” đó là tiêm phòng vaccine đầy đủ. Tính tới thời điểm hiện tại “Vaccine vẫn là vũ khí khiến toàn nhân loại mong chờ”. Không chỉ Việt Nam, các nước trên toàn thế giới đã và đang “chạy đua vaccine” với mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cho cộng đồng, an tâm để “Sống chung với dịch” trong trường hợp chúng ta không thể khống chế dịch bệnh hoàn toàn.

 


Cập nhật tỷ lệ tiêm chủng các nước khu vực Đông Nam Á

 

     So với các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng và toàn thế giới nói chung tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam hiện tại còn rất thấp.(Đứng đầu khu vực ĐNA về tỷ lệ tiêm chủng là Singapore với 76,41% số người đã tiêm đủ liều, trong khi đó Việt Nam chỉ chiếm 3.28%, thấp thứ hai khu vực chỉ sau Myanmar ).Do vậy nhằm đạt được mục tiêu đến hết Quý 1 năm 2022 , hoàn thành tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, hiện nay Việt Nam đã và đang triển khai hàng loạt các chiến dịch tiêm chủng vaccine diện rộng trên toàn tỉnh/thành, nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng, hướng tới việc đảm bảo sức khỏe cho toàn thể người dân, từng bước một chắc chắn đưa cuộc sống trở lại bình thường một cách an toàn và hiệu quả.

 

 


Cập nhật tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam và số liều vaccine theo tỉnh thành

 

 

     Bên cạnh đó, xét thấy tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ kéo dài tuy nhiên nguồn vaccine thì khan hiếm, Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã và đang triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Biến bị động thành chủ động, quyết tâm hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng đã đặt ra.

 


Việt Nam nghiên cứu và tự phát triển vaccine ngừa Covid-19

 


Thái Lan nghiên cứu và tự phát triển vaccine ngừa Covid-19

 

 


Singapore nghiên cứu và tự phát triển vaccine ngừa Covid-19

 

     Do vậy, trước tình hình hiện tại chúng ta cần khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của việc tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của tất cả chúng ta. Hãy tận dụng cơ hội Chính Phủ, các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ tiêm vaccine để hoàn thành tốt nghĩa vụ với cộng đồng cũng như đảm bảo cơ thể chúng ta đã tương đối an toàn trước loại virus gây hại này.

     Tuy nhiên ngay cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng lý tưởng 60-75%, người dân cũng không được chủ quan. Biến thể virus ngày một đa dạng hơn, chính vì vậy sau khi đã hoàn thành 2 mũi tiêm người dân cũng cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng động theo bộ Y tế khuyến cáo. 

     Quay trở lại vấn đề “Sống chung với dịch”, đây chính là một trong những biện pháp để đưa cuộc sống của chúng ta trở lại một cách “bình thường mới”. Nếu nói tiêm vaccine là một trong những điều kiện tiên quyết để chúng ta “an tâm” khi chấp nhận sống chung với dịch thì việc chúng ta duy trì thực hiện các biện pháp 5K như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn… và biến nó thành những thói quen hàng ngày là việc vô cùng quan trọng. Kết hợp giữa  “Thông điệp 5K và tiêm phòng vaccine đầy đủ” , đây chắc chắn sẽ là “Lá chắn thép an toàn” để có thể bảo vệ chúng ta trước sự xâm nhập của virus corona. Ngoài ra mới đây Bộ y tế đã ban hành thêm thông điệp 5T để củng cố các pháo đài chống dịch, nhằm tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và cộng đồng.

 


Thông điệp 5T ban hành theo Chỉ thị 09/CT-BYT của Bộ Y Tế

 

     Tuy nhiên đứng trước quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân mình giữa làn sóng Covid-19 , thì hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp từ chối tiêm vaccine mặc dù các tổ chức, doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ hết sức mình với mong muốn toàn thể người lao động đều được an toàn và khỏe mạnh, mong muốn người lao động vững tin và an tâm quay trở lại làm việc khi điều kiện giãn cách cho phép. Có lẽ một phần lý do vẫn chưa kịp cập nhập thông tin và tầm quan trọng của vaccine đối với sức khỏe của bản thân, phần lo ngại rằng tiêm Vaccine Covid - 19 có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì vậy, cùng theo dõi và cập nhập những thông tin cần thiết về tiêm phòng vaccine bên dưới để thay đổi suy nghĩ và tư duy của chúng ta. Hãy lựa chọn tiêm phòng một cách đầy đủ để mạnh mẽ tiến lên thay vì lo sợ không tiêm, bản thân sẽ không đủ sức đề kháng để đương đầu với dịch bệnh.

 

 


Người lao động của Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam chủ động đăng ký được tiêm Vaccine Covid-19

 

 

     Theo các chuyên gia dịch tễ, việc phản ứng không mong muốn có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào và đây là những trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Vaccine Covid-19 cũng là một loại thuốc. Cũng như bất kỳ các loại thuốc hoặc Vaccine khác, sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng khác nhau tùy theo cơ địa và đề kháng của mỗi người. Điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu của các nhà khoa học. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Nên chúng ta hãy thỏa mái và chủ động đăng ký khi đến lượt, không cần lo lắng run sợ.

     Thế nhưng, chúng ta cần biết và lưu ý một số vấn đề trước và sau khi tiêm Vaccine Covid -19 để có chủ thể động xử lý các tình huống và tạo tâm lý ổn định, không hoang mang, sợ hãi.

 

 

Những điểm cần lưu ý trước khi tiêm Vaccine Covid-19

1. Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vaccine khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.

2. Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.

3. Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.

4. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như:

• Tình trạng sức khỏe hiện tại;

• Các bệnh mạn tính đang được điều trị;

• Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.

• Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.

• Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm Vaccine trước.

• Tình trạng nhiễm vi rút hoặc mắc Covid-19 (nếu có)

• Các loại Vaccine được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua.

• Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ)?

• Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế:

          Thông tin liên quan đến Vaccine phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo;

         ► Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí, cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.

 

Lưu ý: Trường hợp có tiền sử dị ứng dưới đây không nên tiêm Vaccine:

1.  Không tiêm vaccine với những trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vaccine.

2. Không tiêm vaccine cho người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn, nếu không chắc chắn về tình trạng dị ứng do cơ địa, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

3. Không tiêm vaccine COVID-19 khi bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc ung thư).

4. Không tiêm vaccine nếu đang bị nhiễm trùng, sốt (≥ 37,5°C).

5. Không tiêm vaccine khi có các vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.

 

Những vấn đề cần lưu ý sau khi tiêm Vaccine Covid-19

1. Nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu có các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng. Khi về nhà, nên chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần kể từ thời điểm tiêm Vaccine.

 

 

2. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng Covid-19.

3. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

4. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ

5. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

6. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có trường hợp: 

• Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

• Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

     Tin rằng với những chia sẽ vừa rồi, có thể giúp mọi người hiểu được phần nào về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine hiện nay, cũng phần nào giải tỏa được vấn đề tâm lý lo sợ của một số bạn vẫn đang phân vân lựa chọn giữa việc tiêm hay không tiêm. “Đừng coi việc tiêm phòng là sự lựa chọn, bạn sẽ không có sự lựa chọn nào tốt và đáng giá hơn ngoài việc ‘trang bị’ cho mình một sức khỏe thật tốt và một trạng thái tâm lý tự tin trong giai đoạn này”. Bởi lẻ kịch bản “ Sống chung với dịch” sắp tới đây mới chính là sự lựa chọn duy nhất mà bạn cần bắt buộc thích nghi. Hãy cùng nhau chung tay để tạo nên một cộng đồng an toàn và miễn dịch.

 

- VSC -