VSC LIÊN KẾT TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH

     Như chúng ta đã biết, bước vào thế kỷ XXI, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại hay cụ thể hơn là cuộc cách mạng 4.0 đã và đang phát triển với nhịp độ ngày càng nhanh chóng, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi nhanh chóng và sâu sắc tới sự phát triển của kinh tế xã hội và bản thân con người. 

     Không nằm ngoài xu thế của thế giới, Việt Nam cũng đã và đang trong quá trình đẩy mạnh tham gia vào cuộc cách mạng khoa học, công nghệ cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Không phủ nhận được những thành tựu rực rỡ của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi thực hiện tham gia vào cuộc cách mạng hiện đại hóa này. Thế nhưng, càng phát triển kinh tế xã hội, càng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì vấn đề môi trường càng trở nên bức xúc và gay gắt hơn. Kinh tế xã hội càng phát triển lại càng thấy rõ sự liên hệ chặt chẽ với điều kiện tự nhiên và môi trường. Và vấn đề về bảo vệ môi trường ngày càng nóng hơn bao giờ hết khi tất cả nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, hiện tượng băng tan nước biển dâng, suy thoái tầng ozon, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm và suy thoái tài nguyên đất và nước ngọt,…Và không một quốc gia hay một cá nhân, tổ chức nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của nó.

     Ở Việt Nam chúng ta cũng thấy rõ rằng số lượng các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều. Đó là cũng là một tín hiệu tốt, khi Việt Nam với xuất phát điểm thấp, là một đất nước nghèo, chiến tranh kéo dài, sau đó là một thời gian dài khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục nền kinh tế,... Vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chúng ta cũng có những yêu cầu tăng trưởng nhanh để cải thiện và nâng cao đời sống. Thế nhưng, nếu quá vội vàng và chỉ chú trọng vào các chính sách đầu tư, đổi mới về kinh tế mà thiếu đi các quy hoạch về xã hội và môi trường theo quan điểm phát triển bền vững thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy đáng tiếc. Bởi vì, lâu dần nền kinh tế sẽ bị suy thoái khi phát triển quá ngưỡng chịu đựng của môi trường.

     Chính vì vậy, “tăng trưởng xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Việt Nam cũng đã có nhiều chiến lược nằm phát triển kinh tế đi kèm với trách nhiệm về xã hội và bảo vệ môi trường đó được xem là phát triển bền vững. Trong đó có những chiến lược dài hạn như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể. Thế nhưng trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất – kinh doanh thì vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp chưa nhận thức hoặc biến nhận thức thành hành động. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho bảo vệ môi trường, hoạt động BVMT chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức hành động của các doanh nghiệp, còn mang nặng tính đối phó, thời vụ.

     Đứng dưới góc độ của một doanh nghiệp cụ thể, Tổng Công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex (Viết tắt là VSC) có 03 xí nghiệp chi nhánh trong lĩnh vực may mặc đó là: Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu; Nhà máy may Vinatex Cần Thơ và Nhà máy may Vinatex Kiên Giang. Chúng tôi nhận sâu sắc rằng mỗi một doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế quốc gia và kết quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc địa phương - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Chính vì thế, chúng tôi không chỉ chú trọng về công tác sản xuất kinh doanh, hay vấn đề lợi nhuận mà còn đặc biệt chú trọng và đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường để tạo sự tăng trưởng xanh và bền vững cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng nói riêng và đất nước nói chung.

     Đặc biệt là Tổng Công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex là một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu quần áo và hiện nay các yêu cầu ngày càng chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, yêu cầu từ các khách hàng về chứng chỉ tuân thủ môi trường của Công ty, xí nghiệp trước khi thực hiện một đơn hàng. Ví dụ cụ thể: như trên thực tế chúng tôi đã và đang nhận những đơn hàng với thành phần tái chế và phải đạt được tiêu chuẩn “GRS – Global recycle standard” (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu) trước khi thực hiện đơn hàng, trong tiêu chuẩn bao gồm phải đạt tiêu chí, yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường hoặc các cuộc đánh giá hàng năm bởi khách hàng hoặc một đơn vị thứ 3 được cấp phép để đánh giá việc tuân thủ về Trách nhiệm xã hội, môi trường tại các đơn vị xí nghiệp và cả Tổng công ty. Chúng tôi cũng tham gia chương trình “Higg FEM – là một mô đun môi trường cơ sở, là một công cụ đánh giá tính bền vững nhằm chuẩn hóa cách đo lường và đánh giá hiệu quả giảm thiểu tác động môi trường của các cơ sở theo từng năm”, hàng năm sẽ có những cuộc xác minh Higg FEM tại các đơn vị bởi 01 bên có thẩm quyền được cấp phép.

     Đó cũng là một trong những lý do để chúng tôi xem vấn đề đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường không còn là một nghĩa vụ mà đó là động lực tìm kiếm khách hàng, tạo nên những sản phẩm chất lượng và sản xuất kinh doanh một cách bền vững.
Bên cạnh đó, tuân thủ và đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động quan trọng để có được môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên  của chúng tôi được đảm bảo, từ đó cán bộ yên tâm công tác, bảo đảm năng suất lao động, giảm thiểu chi phí,…. Ngoài ra, còn hạn chế các rủi ro về pháp lý, thanh tra, kiểm tra về môi trường với những chế tài xử phạt vi phạm.

     VSC cũng hiểu rằng trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều sẽ có một sự tác động nhất định đối với môi trường. Nếu đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường thì chắc chắn sẽ không có bất kỳ một hoạt động kinh tế nào xảy ra. Vấn đề đặt ra ở đây là cần quan tâm và hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường, phải tính tính được nguy cơ, mức độ hủy hoại và khả năng hồi phục của môi trường.

     Chính vì những lý do trên, nên trong suốt những năm thành lập và phát triển, Tổng Công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex cùng những xí nghiệp của mình không ngừng tìm hiểu, tuân thủ và đầu tư cho việc bảo vệ môi trường song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, điểm nổi bật nhất là chúng tôi luôn tìm hiểu và chọn lọc kỹ càng những đơn vị có chuyên môn về môi trường để đồng hành, hợp tác.

     Hiện tại một đơn vị mà VSC đã tin tưởng, hợp tác trong suốt một thời gian dài đó chính là Trung tâm công nghệ môi trường. Đến thời điểm hiện nay thì ông Nguyễn Hùng Quý – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Miền Nam - Vinatex và ông Nguyễn Như Hiển – Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường đã ký thỏa thuận hợp tác lâu dài trong xử lý các vấn đề môi trường tại các đơn vị của VSC như: Thu gom xử lý chất thải nguy hại; đo đạc quan trắc môi trường và môi trường lao động, thực hiện báo cáo xả thải, đo đạc và phân tích các chỉ tiêu môi trường theo yêu cầu khách hàng; nghiên cứu, phân tích các chỉ tiêu bên trong các mẫu: nước thải, nước mặt, nước ngầm, nước uống, bùn, đất, chất thải rắn, thực phẩm; nuôi cấy vi sinh và hóa chất duy trì trạm xử lý nước thải; tư vấn và xây dựng báo cáo cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện các chương trình “sản xuất sạch hơn” và “kiểm toán môi trường” và một số vấn đề liên quan đến môi trường tại tất cả các đơn vị của Tổng Công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex.

     Đây cũng được xem như là một sự khẳng định, hành động cụ thể và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của VSC – một doanh nghiệp đối với lợi ích của môi trường, cộng đồng, xã hội và đất nước nói chung. Bởi lẽ, VSC hiểu được rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc, nhận thức và yêu cầu từ người tiêu dùng và khách hàng ngày càng cao. Một sản phẩm đến tay khách hàng không chỉ đơn thuần là một sản phẩm đẹp mà còn ẩn chứa những giá trị dành cho môi trường và xã hội mà doanh nghiệp đặt vào trong đó. Vì thế, việc đầu tư vào hệ thống bảo vệ môi trường tại các đơn vị của Tổng Công ty Dệt may miền Nam - Vinatex, chúng tôi tin tưởng rằng khách hàng sẽ đặt trọn niềm tin và đồng hành cùng VSC tạo nên những đơn hàng chất lượng và cùng góp phần tạo nên một doanh nghiệp tăng trưởng xanh.

 


Ông Nguyễn Hùng Quý – Tổng Giám Đốc VSC và Ông Nguyễn Như Hiển – Giám đốc CEFINEA

     Lựa chọn Trung tâm Công nghệ môi trường (viết tắt là CEFINEA) là đơn vị hợp tác không phải việc ngẫu nhiên mà đến từ uy tín và chất lượng của trung tâm. CEFINEA được thành lập theo quyết định của đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, cơ quan quản lý trực tiếp là Viện môi trường và tài nguyên. Như vậy, Trung tâm công nghệ môi trường với thâm niên 26 năm hoạt động. Nhân sự với hơn 65 cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy chính nhiệm với 3 phó giáo sư, 10 tiến sỹ, 16 thạc sỹ và 25 chuyên viên có trình độ đại học được đào tạo chính quy về các chuyên ngành Khoa học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Kinh tế môi trường... ở nhiều nước khác nhau như: Thụy Sỹ, Hà Lan, Anh, Mỹ, AIT, Nhật, Nga, Đức, Thái Lan, Bungari… và trong nước.

     Về cơ sở vật chất, CEFINEA được hỗ  trợ  bởi  một  hệ  thống  các  phòng  chức  năng  và  hệ  thống  phòng  thí nghiệm với các trang thiết bị và máy móc hiện đại, đồng bộ cho phép phân tích định lượng các chỉ tiêu hóa lý môi trường nước, không khí và tiếng ồn. Các máy GC, AAS, HPLC, GC/MS cho phép phân tích vi lượng các chỉ tiêu kim loại nặng, thuốc trừ sâu, PAH, PCB trong môi trường nước, bùn lắng và không khí.

     Hiện nay, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường là Tiến sĩ Nguyễn Như Hiển – là người có chuyên môn nghiệp vụ cao và luôn tận tâm, nhiệt huyết trong công việc. Tiến sĩ Hiển cũng là người chia sẻ và tư vấn để kết nối CEFINEA và Tổng công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex để tiến tới quá trình hợp tác lâu dài trong việc bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex cảm thấy quyết định phát triển kinh doanh gắn liền với ý thức đầu tư cho bảo vệ môi trường là một điều vô cùng đúng đắn, ngoài sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp thì nó góp phần giữ gìn những giá trị cốt lõi cho thế hệ tương lai. Và may mắn hơn nữa khi chúng tôi có thêm một đơn vị đồng hành chuyên môn, tận tụy và tâm huyết như CEFINEA. 

     Chúng tôi tin chắc rằng trong thời gian sắp tới VSC sẽ còn phát triển nhiều dự án về môi trường tại đơn vị cùng với sự hỗ trợ, tư vấn từ CEFINEA để hướng tới một doanh nghiệp tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

    - VSC -