VƯỢT KHÓ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH TRONG TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG BIẾN ĐỘNG

     Như chúng ta cũng đã biết, sau 02 năm dịch bệnh Covid – 19 hoành hành và diễn biến hết sức phức tạp dẫn đến nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam gần như bị “đình trệ”. Chúng ta đã từng chứng kiến làn sóng hồi hương lớn nhất trong lịch sử với hơn 150.000 nghìn lao động từ 19 tỉnh thành phía Nam trở về quê sau thời gian giãn cách xã hội và phong tỏa vì Covid -19, đó là cũng minh chứng rất rõ ràng để thấy được tác động đối với nền kinh tế và cuộc sống của người dân hậu Covid -19. 
 

Hình ảnh dòng người “hồi hương” sau đợt giãn cách xã hội và phong tỏa vì Covid 19
 
     Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mở cửa trở lại từ tháng 10.2021, đó là thời điểm bùng nổ của ngành dệt may, khi đơn hàng quay trở lại dồn dập, đặc biệt trong ngành sợi. Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2022, tình hình thế giới có chuyển biến khác đi khi thị trường liên tục xuất hiện những khó khăn mới như: 
 
+ Tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraina cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây, sự trả đũa của Nga đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí đã tồn tại trong nhiều thập niên khiến năng lượng toàn cầu trở nên khủng hoảng.
 
 

Tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng, dầu khí, xăng dầu
 
+ Giá nguyên phụ liệu đầu vào, cước phí vận chuyển biến động tăng/giảm gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sản xuất (mặc dù hiện tại đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên vẫn cao so với mức giá trung bình trước đại dịch).
 
+ Tình hình các thị trường chính trên thế giới như US, UK, EU,... gần như đã và đang bước vào tình trạng suy thoái, chỉ số lạm phát cùng lãi suất tăng vượt mức kỷ lục. Hàng loạt các doanh nghiệp đối mặt với làn sóng đình công khi người lao động được yêu cầu tăng lương trước tình trạng tất cả mọi chi phí đều tăng.
 
+ Đồng USD biến động, tỷ giá tăng cao, ngân hàng siết hạn mức tín dụng khiến các đơn vị doanh nghiệp khó khăn trong các khoản vay và thanh khoản, tình hình bất động sản gần như “đóng băng”.
 
+ Tình trạng Trung Quốc kiên quyết thực thi các chính sách phong tỏa cứng nhắc "Zero Covid" xuyên suốt trong giai đoạn vừa qua gây khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù mới đây 26/12/2022 Trung Quốc vừa thông tin sẽ mở cửa trở lại, dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tuy nhiên cần thời gian dài để từng bước phục hồi trở lại. Và thậm chí hiện tại việc Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới, cũng đang khiến nhiều quốc gia lo ngại việc dịch bệnh sẽ lại có nguy cơ lan rộng
 
     Không nằm ngoài ngoài tầm ảnh hưởng trước các biến động của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Có khoảng hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc. Như vậy, có 42.000 gia đình, tương đương 100.000 người bị ảnh hưởng, chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí do dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, sa thải công nhân, cắt giảm giờ làm trong giai đoạn Tết nguyên đán 2023 cận kề. Đây là một nghịch lý chưa từng xảy ra, khi thời điểm cận Tết của các năm trước thì các doanh nghiệp ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để kịp hoàn thành các đơn hàng, đảm bảo tiến độ giao hàng cho khách.
 
Tình trạng người lao động bị mất việc làm
 
     Trên cả nước, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
 
     Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%), 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%), 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…
 
     Rơi vào tình trạng bỗng dưng mất việc khiến hàng chục nghìn người lao động chới với, chật vật với cuộc sống mưu sinh, không có lương, khoản tiền thưởng Tết vốn được mong ngóng cũng mù mịt hơn bao giờ hết. Có lẽ, với những người lao động bị mất việc làm, con đường trở về nhà sau ngày làm việc cuối cùng ở các công ty chưa bao giờ nặng trĩu đến thế. Có người chọn ở lại thành phố tìm các công việc thời vụ để đắp đổi chờ cơ hội tìm việc khác nhưng giai đoạn cuối năm thì được công việc cũng không hề dễ dàng. Có người không bám trụ nổi với các khoản chi phí sinh hoạt thì buộc phải về quê đón Tết sớm với những lo toan cho cuộc sống phía trước.
 
     Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp dự đoán, tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và tình hình khó khăn của thị trường sẽ kéo dài đến Quý 1- Quý 2 năm 2023 trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Hiện tại, một số doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để chờ đợi sự khả quan của tình hình thị trường, nếu qua Quý 1/2023 vẫn chưa phục hồi được thì số lượng lao bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm, doanh nghiệp buộc đóng cửa sẽ tăng lên rất nhiều. Tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn để lại hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
 
     Đứng dưới góc độ của Doanh nghiệp, việc sa thải hàng nghìn công nhân là điều không mong muốn, nhưng do thiếu hụt hoặc thậm chí không có đơn hàng sản xuất, việc gồng gánh tất cả các chi phí để tồn tại là quá sức, khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. 
 
     Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn có những doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động như: Hệ thống Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè (gọi tắt là NBC), Tổng Công ty Dệt May Miền Nam – Vinatex (gọi tắt là VSC). NBC và VSC may mắn khi được sự đồng hành của quý khách hàng để duy trì được nguồn đơn hàng ổn định. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn cũng như sự làm việc không ngừng nghỉ của Ban lãnh đạo Tổng Công ty trong suốt thời gian vừa qua để không một người lao động nào phải bị thất nghiệp, các chế độ, chính sách về lương, thưởng Tết nguyên đán 2023 đều được chỉ đạo xây dựng để gửi đến người lao động. Góp phần giúp CB - CNV có một niềm phấn khởi, niềm vui trọn vẹn khi năm mới sắp đến. Điều này đã đi ngược lại với bối cảnh hiện tại khi hầu hết các doanh nghiệp đến 12/2022 đều chưa có kế hoạch thưởng Tết hay trả đủ lương đã là một điều khó khăn.
 

Tổng Công ty may Nhà Bè trong lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022
 
    Tổng giám đốc VSC – ông Nguyễn Hùng Quý nhận quyết định khen thưởng dành cho đơn vị có thành tích
trong sản xuất kinh doanh năm 2022.
 
     Đối với Ban lãnh đạo của NBC và VSC, sự thành công của một doanh nghiệp chính là không để bất kỳ một người lao động nào phải bị bỏ lại với những nỗi lo toan về thu nhập, đặt niềm vui, hạnh phúc của người lao động, sự tin tưởng của khách hàng làm kim chỉ nam cho sự phấn đấu. 
 
     Ngoài ra, toàn hệ thống Tổng Công ty may Nhà Bè cũng như Tổng Công ty Dệt May Miền Nam – Vinatex cũng đã có những phương hướng, sự chuẩn bị để tiếp tục đạt những kết quả tốt trong năm 2023 - một năm được dự đoán vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường sắp tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, rất khó để nói trước được điều gì. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của Ban lãnh đạo, NBC và VSC rất cần sự đồng hành, thấu hiểu của người lao động để cùng đưa Tổng Công ty vượt qua những thách thức phía trước.
 
     Chúng tôi tin chắc rằng với sức mạnh của tập thể của CB – CNV, nhất định Tổng công ty sẽ tiếp tục gặt hái những thành công, tạo cho người lao động thu nhập và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
- VSC -