VSC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG - TẬN DỤNG CƠ HỘI GIỮA “MUÔN VÀN” KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

     Đứng trước những nguy cơ và thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 qua nhiều đợt bùng phát. Các doanh nghiệp dệt may nói chung, đặc biệt những doanh nghiệp chuyên sản xuất gia công vẫn đang “gồng mình” để duy trì sản xuất, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex (VSC) cũng vậy! Đặc biệt hơn, bên cạnh việc nỗ lực duy trì sản xuất, VSC còn “ấp ủ” và đang từng bước xây dựng thương hiệu thời trang riêng. Với mong muốn mở rộng hình thức kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất cũng như tiếp cận được thị trường thời trang sôi nổi trong và ngoài nước.

     Bài viết dưới đây chia sẻ những thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp dệt may nói chung sẽ có được từ việc xây dựng thương hiệu. Đồng thời giúp bạn phần nào hiểu thêm những “cố gắng không ngừng nghỉ” và những định hướng phát triển thương hiệu thời trang ban đầu của Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex.


Bức tranh tổng thể của ngành dệt may Việt Nam và cơ hội từ việc phát triển thương hiệu

     Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại, dịch Covid-19 đã khiến cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam chậm lại trong năm 2020, nhưng đã phục hồi nhanh từ những tháng cuối năm 2020 và bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu thống kê sơ bộ cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 4,25% so với 6 tháng đầu năm 2019. Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 4 trên thị trường thế giới sau Trung Quốc, EU và Bangladesh với tỷ trọng xuất khẩu đạt 7,05% vào năm 2020, tăng cao so với 5,54% của năm 2016.

 


Ngành dệt may Việt Nam đạt được “thành tích tốt” trong 6 tháng đầu năm 2021

     
     Chuỗi giá trị ngành dệt may bao gồm các khâu: Thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất hàng may mặc, nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên thực tế, Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu mang lại ít giá trị nhất đó là sản xuất hàng may mặc. Và mặc dù ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như: vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vẫn chưa cải thiện nhiều. Dù vậy hàng may mặc vẫn là nhóm hàng có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và mang tính chi phối chiếm trên 83% đối với toàn ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua và dự tính những năm tiếp theo.

     Tại hội thảo “Thương hiệu cho doanh nghiệp dệt may tại thị trường nội địa”, do Masso Consulting phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA) tổ chức. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết điểm yếu của dệt may Việt Nam là thiết kế, thương hiệu và việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Khi phác họa bức tranh tổng thể của ngành dệt may Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định: Doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may tuy rất nhiều nhưng tạo được thương hiệu vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đổ vào thị trường Việt Nam đã tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng trong nước quan tâm đến việc “mặc đẹp” thay cho “mặc ấm”

 


Ngành dệt may Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu mang lại ít giá trị nhất
(Nguồn: digital.fpt.com.vn)


     Sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng. Thay đổi chiến lược kinh doanh, đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trên thị trường. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. 

     Chính vì vậy, có thể nói việc xây dựng và phát triển thương hiệu thời trang riêng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may nói chung và cho Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam nói riêng. 


VSC khai thác cơ hội từ những khó khăn và thách thức

     Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không riêng gì Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex (VSC) mà tin rằng, hầu hết doanh nghiệp ít nhiều đều chịu ảnh hưởng. Covid-19 mặc dù gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng ở một góc độ khác cũng tạo ra cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp nhìn lại để thấu hiểu sâu sắc hơn doanh nghiệp của mình; Xem xét và đánh giá lại chuỗi cung ứng để tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; Liên kết các ngành trong cùng chuỗi giá trị để tạo ra những cơ hội mới. 

 


Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị “điêu đứng”
(Nguồn: anh.24h.com.vn)


     Theo nhận định từ các chuyên gia, chính những thách thức từ Covid-19 đã khiến ngành dệt may trở nên vững vàng hơn với các hành động như giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài và thay vào đó sử dụng nguyên liệu trong nước nhiều hơn, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Đó là nhờ những nỗ lực liên tục, không ngại khó khăn và “dũng mãnh” đối mặt, vươn lên.

     Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex (VSC) vừa qua cũng đã có không ít khó khăn khi văn phòng Tổng Công Ty tại TP. HCM áp dụng hình thức giãn cách, làm việc online tại nhà, một số công tác gặp nhiều trở ngại hơn bình thường. Các Nhà máy may Vinatex khu vực phía Nam cũng thực hiện giãn cách, triển khai các mô hình tự nhiên, an toàn, giữ ấm nhà máy và hiện đang từng bước cố gắng khôi phục sản xuất. Tuy “khó khăn chồng khó khăn” nhưng toàn thể CB - CNV của VSC dưới sự chỉ đạo của Ban Tổng Giám Đốc vẫn không ngừng cố gắng “dũng mãnh” mỗi ngày. Bên cạnh việc duy trì sản xuất, VSC cũng đã và đang khẩn trương thực hiện dự án xây dựng thương hiệu thời trang ở cả thị trường nội địa và thị trường Mỹ.

 “Giữa muôn vàn khó khăn và thách thức, chúng tôi chọn nắm bắt, tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất!

 

Công tác triển khai xây dựng thương hiệu thời trang riêng của VSC

     Vẫn luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để thực hiện các công tác liên quan và thúc đẩy xây dựng thương hiệu. VSC cũng đã có những tư duy, định hướng nhất định cho thương hiệu thời trang trong tương lai. Vậy những tư duy, định hướng ban đầu đó là gì? Cùng tìm hiểu nhé!

Tư duy lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến

     Các thương hiệu thời trang nói chung tại Việt Nam đang chạy đua trên các nền tảng bán hàng trực tuyến với những phương thức bán hàng phong phú và đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19 khi các cửa hàng vật lý đang phải đóng – mở tùy thuộc vào chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đứng giữa sự đa dạng của các nền tảng bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp vẫn phân vân nên lựa chọn bán hàng trên những kênh do doanh nghiệp sở hữu hay trên các sàn thương mại điện tử.

 


Bán hàng và mua sắm online đang là xu hướng toàn cầu
(Nguồn: congdongseovn.com)


     Theo một nghiên cứu của FPT Digital về việc lựa chọn kênh kinh doanh của các thương hiệu thời trang phổ biến. Hầu hết các thương hiệu thời trang quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam (Ví dụ: Zara, H&M, Uniqlo…) đều không có xu hướng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hoặc nếu có, rất hạn chế về số lượng sản phẩm cũng như các chương trình khuyến mại. Họ tập trung vào các chương trình trên kênh bán hàng sở hữu như website hoặc trên ứng dụng di động. Trong khi đó, các thương hiệu thời trang của Việt Nam thường có xu hướng tận dụng hết toàn bộ các kênh bán hàng trực tuyến.

     Thực tế, kênh bán hàng trực tuyến là lựa chọn hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ các kênh cao hay thấp cũng phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm mà khách hàng có được khi thực hiện mua sắm trên kênh. Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex cũng có tư duy lựa chọn và khai thác kênh bán hàng trực tuyến trong tương lai cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên, dù là kênh doanh nghiệp sở hữu hay sàn thương mại điện tử, chúng tôi cũng sẽ tập trung cải thiện những trải nghiệm khách hàng, thấu hiểu nhu cầu để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mang đến sự hài lòng tối đa.

Khai thác cả thị trường trong và ngoài nước

     Không riêng gì Việt Nam mà thị trường thời trang thế giới cũng vô cùng sôi nổi. Đây cũng là lý do VSC quyết định sẽ xây dựng thương hiệu, khai thác cả thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, dự kiến thương hiệu thời trang của VSC sẽ được bán trên các kênh online ở thị trường Việt Nam, đồng thời cũng được liên kết và phân phối bán ở thị trường Mỹ trên Amazon - Sàn thương mại điện tử hàng đầu với rất nhiều cơ hội đang rộng mở.

 


Amazon mở ra cơ hội kinh doanh cho mọi doanh nghiệp trên toàn thế giới
(Nguồn: ict-imgs.vgcloud.vn)


     Như vậy, bài viết trên đây đã bật mí về dự án xây dựng thương hiệu của Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex (VSC). Thế mạnh của VSC trong việc xây dựng thương hiệu là có sẵn các nhà máy gia công với nhiều kinh nghiệm gia công, sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dù thị trường tiềm năng là thế, dù Tổng Công Ty có một số thế mạnh nhất định nhưng việc xây dựng và phát triển thương hiệu thời trang cũng không hề dễ dàng. Bởi mức độ cạnh tranh cao, bởi những điểm yếu và thách thức từ thị trường. Đòi hỏi đội ngũ VSC cần dũng mãnh hơn nữa, cố gắng không ngừng để nhanh chóng đưa được những sản phẩm đầu tiên của thương hiệu đến tay khách hàng.

     Hy vọng những “ấp ủ” của Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex sẽ sớm ngày được ra mắt. Chúc tất cả mọi người đều bình an, khỏe mạnh và quyết tâm cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để gặt hái được nhiều thành công về sau!

 

- VSC -