TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG DỆT MAY VÀ CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

     Đại dịch Covid-19 tái bùng phát với những diễn biến vô cùng phức tạp đã mang đến không ít ảnh hưởng cho các doanh nghiệp lớn nhỏ. Trong đó, các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất gia công đã và đang đứng trước nhiều “nguy cơ”.

     Ban lãnh đạo Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex (VSC) hàng tuần đều tổ chức các cuộc họp thị trường nhằm theo dõi tình hình các thị trường chính, kịp thời nắm bắt tin tức mới nhất liên quan đến thị trường dệt may trong và ngoài nước, cập nhật tình hình nguyên - phụ liệu, tình hình logistic toàn cầu cũng như báo cáo tình hình sản xuất tuần qua của VSC nhằm đề xuất các phương án xử lý phù hợp.

 


Ban Lãnh Đạo Tổng công ty Dệt May Miền Nam - Vinatex họp thị trường hàng tuần

 

     Cùng điểm qua những nét nổi bật đáng chú ý về tình hình nguyên - phụ liệu và chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Đây là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp dệt may nói chung và Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex nói riêng.

 

Tình hình nguyên - phụ liệu cho ngành dệt may

     Hầu hết các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đang "đau đầu" giải bài toán về nguyên - phụ liệu trong bối cảnh khó khăn “trăm bề” vì đại dịch Covid-19. Phần lớn nguyên - phụ liệu ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc khoảng 65% - 70% nguyên - phụ liệu nhập về từ Trung Quốc và một số từ các nước khác như: Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái-lan,... Trong khi đó tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng căng thẳng tại các nước thuộc khu vực Châu Á hiện nay, buộc họ phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động sản xuất để thực hiện các biện pháp chống dịch an toàn.

     Điều này dẫn đến nguồn nguyên - phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may đã và đang đứng trước nguy cơ “thiếu hụt” nghiêm trọng trong thời gian sắp tới. Theo Vitas - Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, việc nguồn nguyên - phụ liệu nhập khẩu bị gián đoạn thời gian qua đã ảnh hưởng tới khoảng 30% - 40% năng lực sản xuất tùy từng doanh nghiệp. 

 


Nguyên - phụ liệu dệt may Việt Nam nguy cơ thiếu hụt do ảnh hưởng đại dịch
(Nguồn: thumuavaitonkho.com)

 

     Không chỉ khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên - phụ liệu phục vụ sản xuất mà giá bông, xơ, sợi cũng liên tục biến động ảnh hưởng đến giá nhập nguyên - phụ liệu đầu vào. Cụ thể:

- Tính đến hiện tại, giá bông trung bình có xu hướng tăng nhẹ, giá bông ngày 27/08/2021 đạt hơn 96.3 cent/pound tương đương khoảng 2.32 usd/kg. Nguyên nhân chính là bông Mỹ và Ấn mất mùa, cùng với đó là thiên tai dịch bệnh, áp dụng chính sách không dùng sản phẩm có xuất xứ Tân Cương (Trung quốc).

- Tình hình giá xơ sợi vẫn biến thiên theo thị trường nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng tăng mạnh, so với thời điểm cuối năm 2020 đã tăng trên 25%. Nguyên nhân chính là do nguyên liệu thô thế giới biến động tăng (xăng, dầu, sắt, thép, bông…) dẫn đến chi phí đầu vào tăng và giá sợi polyester các loại đều tăng. Đối với các loại sợi pha thì có giá thay đổi tùy thị trường và thời điểm. 

 


Giá bông sợi có xu hướng tăng trong thời gian sắp tới
(Nguồn: vietnambiz.vn)

 

     Với các diễn biến mới nhất về nguyên liệu thô đầu vào, kéo theo chi phí sản xuất tăng. Giá vải và nguyên - phụ liệu các loại dự báo cũng sẽ tăng tương ứng. Do đó, dự báo các đơn hàng quý 4 sẽ có giá trị khá thấp, các đơn vị sản xuất phải cân đối sản xuất phù hợp và tăng năng suất để bù lại khoản hao hụt do thị trường cung ứng bị khép chặt về giá trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng và giao hàng. 

 

Chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ đứt gãy

     Cùng những biến cố trong ngành hàng hải, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ, đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu tới nguy cơ đứt gãy. Bên cạnh đó thiên tai lũ lụt tại Trung Quốc và các nước thuộc khu vực châu Âu vừa qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng logistic toàn cầu hiện nay vốn căng thẳng lại càng nghiêm trọng hơn. Hàng loạt vấn đề xuất hiện như thiếu hụt container rỗng, biến động giá cước vận chuyển, gián đoạn chuỗi cung ứng tạm thời,...đã tạo nên “rào cản” cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics tại Việt Nam nói riêng. 

     Hiện nay tình trạng thiếu container rỗng, giá cước tăng cao, kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch đều xuất hiện ở các cảng lớn trên thế giới. Tắc nghẽn tàu container bên ngoài 2 cảng Los Angeles - Long Beach (Mỹ) vẫn chưa cải thiện nhiều, trong khi các cảng từ Trung Quốc đến Đức phải đối mặt với ổ dịch Covid-19 mới và một số hạn chế khác, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu bị gián đoạn.

 


Thống kê số liệu tàu neo tắc nghẽn tại 2 cảng Los Angeles và Long Beach
(Nguồn: Vietnambiz.vn)

 

     Thực tế, theo Vessels Value, khoảng gần 400 tàu container với sức chứa 2,4 triệu thùng hàng 20 feet đang chưa thể di chuyển tại các cảng toàn thế giới. Dữ liệu từ Clarksons Platou Securities cũng cho thấy, tình trạng tắc nghẽn càng tồi tệ hơn khi số tàu đang "đứng im" chiếm tới 4,6% đội tàu container trên toàn cầu.

     Tại Việt Nam, hoạt động các cảng, ICD (Inland Container Depot) khu vực phía Nam cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Tân Cảng Hiệp phước tạm ngưng từ 26/08 dự kiến đến giữa tháng 09/2021 mới hoạt động trở lại. Tân cảng Thốt Nốt (Cần Thơ) cũng chưa hoạt động lại. Hiện phía Nam chỉ còn cảng Cát lái và Nhơn Trạch hoạt động với năng suất khá thấp. Ngoài ra hiện tại một số cảng áp dụng ưu tiên cho hàng xuất, vì vậy hàng nhập về rất khó khăn để lấy ra , dẫn đến lượng hàng tồn nhiều tại các cảng.

 


Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa “đứt gãy” nếu không kịp thời cải thiện
(Nguồn: smpgroup.vn)

 

Hướng đi nào cho Tổng Công Ty Dệt May Việt Nam - Vinatex?

     Đứng trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp Dệt May phải tự tìm cho mình hướng đi riêng. Không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, thậm chí là đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên cũng rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng “gồng mình” vượt qua giai đoạn khó khăn này để đưa mọi thứ trở về trạng thái “bình thường mới”. Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex cũng là một trong số đó!

     Thực tế, mặc dù tình hình hiện tại rất khó khăn nhưng không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp Dệt May đã có đủ đơn hàng đến cuối năm. Tuy nhiên đáng lo ngại là thị trường hiện tại đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và nhiều yếu tố bất định. Nếu không đảm bảo duy trì sản xuất, giao hàng đúng hạn, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với tình trạng chịu phạt, bị hủy đơn hàng do không hoàn thành hợp đồng đã ký và gây thiệt hại cho nhà máy có thể lên tới hàng tỷ USD. Ngoài ra với tình hình nhà máy liên tục tạm ngừng sản xuất như hiện nay, các đơn hàng quý 4 có nguy cơ dịch chuyển đến các khu vực và quốc gia khác, gây thiếu hụt nguồn hàng trong tương lai.

     Do vậy, dưới định hướng của Chủ tịch cùng Ban Tổng Giám Đốc - Tổng công ty Dệt May Vinatex: Tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài trong vài năm tới, chúng ta cần chuẩn bị sẵn tâm lý “ sống và sản xuất chung với dịch một cách an toàn và hiệu quả” ngay từ bây giờ. Bằng mọi cách để đưa nhà máy quay trở lại sản xuất, Ban Giám Đốc nhà máy cần lên phương án và công tác chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi quay lại để vừa đảm bảo an toàn sản xuất cho người lao động, vừa vực dậy nhà máy trong thời gian ngắn nhất.

 

- VSC -