TẠI SAO Ở NHÀ VẪN NHIỄM COVID –19 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

     Sau hơn một tháng kể từ ngày 9/7 đến ngày 22/8 Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khu vực phía Nam áp dụng chỉ thị 16. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp và chưa được kiểm soát hoàn toàn, số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn còn đang ở mức cao và tăng mỗi ngày.

     Do đó tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của TP.HCM sáng ngày 20/8, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, thành phố tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp “Mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài trong phòng, chống dịch từ 0h ngày 23/8”. 

     Như vậy, với hàng loạt các biện pháp siết chặt hơn lần này cùng với những nỗ lực đã được áp dụng trước đó, hy vọng rằng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát và đưa cuộc sống của tất cả mọi người trở lại bình thường. 

 


Ảnh minh họa: TP. HCM thực hiện "ai ở đâu yên đó" từ ngày 23/8
(Nguồn: Dân tộc và phát triển)

 

     Kể từ 0h ngày 23/8, ngoại trừ một số đối tượng được phép đi đường theo công văn số 2718 của UBND TP.HCM như:

• Người đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

• Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

• Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vắc xin.


     Thì hầu như tất cả mọi người dân đều không được phép ra đường để giảm thiểu khả năng lây nhiễm cộng đồng, khoanh vùng được khu vực lây nhiễm, tập trung chữa trị cho F0. 

     Tuy nhiên, gần đây có rất nhiều người còn băn khoăn trước câu hỏi “Tại sao nhiều người ở nhà vẫn có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 ?” Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu câu hỏi này, để từ đó chúng ta có thể bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình mình  một cách đúng đắn hơn đặc biệt là đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt như hiện nay.

     Nguyên nhân: Như chúng ta cũng đã biết, Virus có trong mũi, họng của người bệnh. Nó nằm trong dịch tiết mũi, họng, khi F0 hắt hơi, thở,… virus sẽ bị phát tán, dính trên tay chân và các bề mặt đồ vật. Tay chúng ta tiếp xúc với các đồ vật đó và đưa lên mặt cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm. Và đây là một số những thói quen có thể gây lây nhiễm Covid mặc dù bạn vẫn ở nhà để thực hiện giãn cách:

1. Nhận đồ ăn, thực phẩm 

Virus có thể nằm trên bề mặt thực phẩm và thời gian nó tồn tại tùy vào từng môi trường khác nhau, vì vậy dù không ra ngoài nhưng khi nhận những thực phẩm có nhiễm khuẩn cũng sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Chính vì thế khi nhận đồ ăn thực phẩm cần phải xịt khử khuẩn, những thực phẩm có thể rửa cần phải mang đi rửa, xịt khử khuẩn bản thân để đảm bảo an toàn.

                   
  Hình minh họa: lương thực thực phẩm bên ngoài

 

2. Cầm tiền, điện thoại nhưng không khử khuẩn

     Chúng ta có thể thấy hai vật dụng thường xuyên sử dụng, cầm nắm nhiều nhất nhưng hay quên xịt khử khuẩn đó là tiền giấy và điện thoại. Điện thoại là vật dụng trung gian hay được cầm áp sát vào mặt để nghe nên rất dễ lây nhiễm nhất là khi cầm nắm những vật dụng khác đã bị nhiễm virus.



Hình minh họa: Vệ sinh khử khuẩn điện thoại (Nguồn: Điện máy xanh)

     Tiếp đó là tiền giấy, đây cũng là vật trung gian được truyền qua tay rất nhiều người nên khả năng bị nhiễm khuẩn là khá cao. Ngoài ra, ví tiền, thẻ ngân hàng,… cũng tương tự.

     Như vậy, chúng ta cần phải lưu ý thường xuyên sát khuẩn những vật dụng này, rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc, sử dụng.

 

3. Cầm, nắm các vật dụng khác nhưng không sát khuẩn

     Các vật dụng như tay nắm cửa, chén, muỗng, đũa, ly uống nước,… đây là những vật dụng trong nhà thường được dùng chung. Vì vậy, cần phải khử khuẩn, vệ sinh kỹ để tránh trường hợp người thân đi từ bên ngoài bị nhiễm virus sẽ lây cho người trong gia đình thông qua những vật dụng trung gian này.



Ảnh minh họa (Nguồn: Kênh 14)

 

4. Người trong gia đình đi từ bên ngoài về

     Virus có thể bám vào quần áo, tóc, khẩu trang,… nên khi đi từ ngoài về cần phải xịt khử khuẩn toàn thân, tắm rửa sạch sẽ và giặt quần áo ngay rồi mới sinh hoạt bình thường trong nhà.

     Ngoài ra, sức đề kháng của mỗi người cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ bản thân trước đại dịch, thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao, ăn uống và ngủ nghỉ khoa học để tăng cường đề kháng, hệ miễn dịch cho cơ thể. Hãy tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình cũng là để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

     Bên trên là những lưu ý cần tránh để có thể hạn chế tối đa nguyên nhân gây nhiễm Virus SARS-CoV-2 khi thực hiện giãn cách tại nhà. Hy vọng có thể giúp ích mọi người trong công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Hãy cùng chung tay, nỗ lực bảo vệ chính mình và cộng đồng của chúng ta.


Ảnh minh họa: Nguồn: Bảo hiểm xã hội

 

- VSC -