NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 01/07/2021 – MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA VSC ĐƯỢC HỖ TRỢ

     Đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày TP. HCM và các khu vực các tỉnh Miền Tây thực hiện lệnh giãn cách theo CT16 của Chính Phủ. Đi kèm những biện pháp siết chặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng là những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, nhà máy SX đang gặp phải. Đối mặt trước những khó khăn này, nhiều Nhà máy và doanh nghiệp đã lựa chọn duy trì SX bằng biện pháp “3 tại chỗ”, “2 địa điểm – 1 cung đường”. Tuy nhiên thực tế cho thấy phương châm hoạt động này đã không còn phù hợp, các doanh nghiệp hiện nay phải căng mình chịu rất nhiều chi phí, chưa kể những rủi ro về nguy cơ bùng phát ổ dịch tại chỗ. Thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động SX và đóng cửa nhà máy.


     Đứng trước những khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động đang phải đối mặt, để cùng đồng hành và chia sẽ những khó khăn này, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 


     Khoản trợ cấp 26.000 tỷ được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Có thể nói, Nghị quyết 68 ra đời không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công cuộc chống Covid có thể còn kéo dài.


     Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, Công ty TNHH Tổng Công ty Dệt may Miền Nam – Vinatex (gọi tắt là VSC) cũng đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất định:

  - Đối với khối văn phòng Tổng Công ty: Toàn bộ cán bộ - công nhân viên chuyển sang làm việc tại nhà.

  - Chi nhánh Nhà máy Vinatex Bạc Liêu: Chia làm 2 ca sản xuất (mỗi ca < 300 lao động)

  - Chi nhánh Nhà máy Vinatex Cần Thơ và Kiên Giang: áp dụng 3 tại chỗ cho một chuyền sản xuất và các bộ phận kho, bốc xếp để xuất hàng và giữ nhiệt cho sản xuất, còn lại tạm dừng hoạt động sản xuất.

Như vậy, VSC và người lao động sẽ được hưởng chính sách nào trong gói hỗ trợ theo như Nghị quyết 68, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu:

 

1. Chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp

  - Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng 0% Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ BHTN, BNN. Tức là trước đây người sử dụng đóng BHXH với mức 21,5% thì từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 chỉ đóng mức 21%.

  - Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền cho người lao động phòng chống đại dịch COVID -19.

  - Thời gian áp dụng: từ 01/7/2021 đến 30/6/2022.

  - Áp dụng cho VSC và 3 Nhà máy

 

2. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (Nhóm ảnh hưởng giãn cách xã hội)

  - Điều kiện: Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên. Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

  - Mức hỗ trợ sẽ áp dụng như sau (lưu ý hỗ trợ 1 lần)

a) 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày)

b) 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
 
c) Người lao động đang mang thai hoặc người lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em.
 
Như vậy, hiện tại VSC có hai Nhà máy là Cần Thơ và Kiên Giang được hưởng hỗ trợ của chính sách này cho những người lao động đang thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động. Các Nhà máy đang tổng hợp danh sách để gửi Cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận và thực hiện các thủ tục cần thiết cho người lao động được hưởng hỗ trợ.


3. Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc

  - Điều kiện: NLĐ bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/12/2021. Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước khi ngừng việc.

  - Về mức hỗ trợ ( Lưu ý hỗ trợ 1 lần)

a) 1.000.000 đồng/người.

b) Người lao động đang mang thai, người lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em.

          ► Các Nhà máy và Văn phòng VSC cũng đang tổng hợp danh sách và các thủ tục cần thiết để gửi cho UBND tỉnh nơi đặt trụ sở.

 

4. Chính sách hỗ trợ NLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ

  - Điều kiện: đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ; có thay đổi cơ cấu, công nghệ; có doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020. 

Lưu ý: có phương án phối hợp với cơ sở nghề có Phương án đào tạo.

  - Mức hỗ trợ: 1,500,000 đồng/người, tối đa là 6 tháng.

          ► Nhà máy Kiên Giang  đang thực hiện hồ sơ gửi Sở Lao động tỉnh xem xét cho 70 lao động.

 

5. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

  - Điều kiện: NLĐ tham gia BHXH đến tháng liền kề trước khi ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

          + Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 

          + Có Phương án hoặc kế hoạch phục hồi SXKD

          + Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng tại thời điểm đề nghị vay vốn.

  - Mức cho vay, thời hạn cho vay:

a) Vay vốn trả lương ngừng việc: vay tối đa bằng mức lương TT vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng; 

b) Vay vốn trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất: vay tối đa bằng mức lương TT vùng đối với NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động. 

          + Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng

          +  Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

     Hiện tại VSC có hai nhà máy tạm dừng hoạt động sản xuất và nếu đủ điều kiện NLĐ được hưởng nhóm “tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương” thì sẽ không được vay khoản vay trên. Nếu 2 Nhà máy không áp dụng được nhóm “tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương” thì sẽ thuộc nhóm “ngừng việc” trên 14 ngày. 
Trên đây là một số chính sách hỗ trợ mà VSC và người lao động có thể nhận được, hiện nay VSC đã và đang được triển khai nhanh chóng để góp phần đẩy nhanh thủ tục giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ này cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. 

     Trong thời gian đợi nhận khoản tiền trợ cấp từ gói hỗ trợ NQ68 (có thể mất một thời gian để hoàn tất nhiều thủ tục, chứng từ) VSC đã triển khai thực hiện ứng trước số tiền mà người lao động có thể được nhận từ gói hỗ trợ, nhằm giúp đỡ người lao động kịp thời vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù như thế nào, VSC vẫn luôn đồng hành, bảo vệ những quyền lợi tốt nhất cho người lao động và mong rằng đại dịch sẽ nhanh chóng qua đi, VSC lại tiếp tục cùng người lao động chung tay xây dựng một VSC ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn thể cán bộ - công nhân viên.

     Hy vọng những chia sẻ cụ thể trên về gói hỗ trợ từ Chính phủ theo NQ68 sẽ góp phần san sẻ khó khăn cho tất cả người lao động và các doanh nghiệp đang sử dụng lao động nói chung. Cũng như toàn thể cán bộ - công nhân viên của Vinatex nói riêng.
Vinatex mong tất cả mọi người đều bình an và khỏe mạnh vượt qua đại dịch Covid-19.

- VSC -