GÓC NHÌN ĐA CHIỀU VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ TƯ DUY “ CHẾT VÌ ĐÓI HAY CHẾT VÌ DỊCH”

     Đại dịch Covid-19 như một cơn lốc xoáy, quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về mặt kinh tế, xã hội lẫn chính trị. Có thể nhận thấy dịch bệnh đã gây ra những xáo trộn không hề nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Thế nhưng nếu nhìn từ góc độ tích cực hơn thì trong đại dịch Covid-19 này, nhiều giá trị sống đã khiến con người thay đổi. Đây cũng là thời gian nhiều người cần nhìn nhận, đổi thay để sống chậm lại, cảm nhận rõ hơn về những giá trị của cuộc sống.

Thứ nhất, dịch Covid-19 lan tỏa đến chúng ta tình yêu thương, đoàn kết dân tộc hơn bao giờ hết. 

     Từ những quyên góp, hỗ trợ của đồng bào khắp mọi miền đất nước gửi về TP. Hồ Chí Minh, gửi về miền Nam, nơi những người con ruột thịt của chúng ta đang gồng mình chiến đấu vì dịch bệnh ngày một căng thẳng. Từ những hình ảnh của tình nguyện viên, các y bác sĩ vất vả, người đầy mồ hôi với khuôn mặt, tay chân đầy những vết lằn đỏ do mang quần áo bảo hộ suốt hàng giờ đồng hồ. Hay mới đây nhất là hình ảnh những chiến sĩ, quân dân hai miền Bắc - Nam cùng sát cánh hỗ trợ sinh hoạt cho người người dân, túc trực tại các chốt chặn trong thời gian dài giãn cách,… Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội cảm nhận sâu sắc được tất cả những điều “tử tế” và “tốt đẹp” từ sự ấm áp giữa người với người hơn lúc này. 

 

Hình ảnh: Các y bác sĩ đoàn kết chống dịch
Hình ảnh: Các y bác sĩ đoàn kết chống dịch 

 

Hình ảnh: Quân đội tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát
Hình ảnh: Quân đội tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát

 

Thứ hai, nó giúp chúng ta nhận ra gia đình mãi là tài sản quý giá.

     Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế đó là dịch Covid -19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm chung của mọi người, của toàn xã hội. Song ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng, và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái,... Những việc vốn bình dị nhưng trong ngày thường bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được.

 

Hình ảnh: Gia đình là tài sản có giá trị lớn nhất của chúng ta
Hình ảnh: Gia đình là tài sản có giá trị lớn nhất của chúng ta

 

Thứ ba, “nó” nhắc nhớ chúng ta rằng sức khỏe là quan trọng.

     Covid-19 cho chúng ta nhận ra rằng: Sức khoẻ của chúng ta quý giá đến thế nào và chúng ta đã sống thế nào đến nỗi bỏ bê nó bằng việc ăn và uống các loại thực phẩm không lành mạnh, bằng những thói quen sinh hoạt vô lề, vô lối. Giờ đây, khi nhịp sống bắt đầu chậm lại hãy nhìn lại và yêu thương sức khỏe của bản thân. Nếu chúng ta không chăm sóc tốt cho “nó”, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.

 

 

Thứ tư, đại dịch Covid -19 lần này cho ta nhận thức sâu sắc rằng tất cả đều bình đẳng.

     Bất kể chúng ta giàu hay nghèo, công việc chúng ta làm là gì, chúng ta tôn sùng loại tôn giáo nào hay chúng ta có nổi tiếng hay không,... thì chúng ta đều có nguy cơ mắc bệnh giống nhau. “Nó” sẽ không vì bạn có nhan sắc hơn, địa vị hơn, hay có nhiều tiền hơn mà bỏ qua bạn. Vì vậy hãy luôn nhớ rằng loại virus lây lan không cần “hộ chiếu” này bất kỳ lúc nào cũng có thể “ghé thăm” bạn hoặc “cướp” đi bạn và gia đình của bạn. 

 

 

Thứ năm, rằng dịch Covid-19 nhắc nhở ta về sự ngắn ngủi của cuộc sống.

     Loại virus khủng khiếp này xuất hiện và mang đến cho chúng ta sự đau thương vô tận khi lần lượt cướp đi những người thân xung quanh ta. Thậm chí chúng ta không biết rằng liệu chúng sẽ đến và cuốn ta đi lúc nào. Tuy nhiên sau cơn đại dịch lần này, tin chắc rằng bạn sẽ thay đổi cách sống hiện tại của chính mình. Bạn yêu và trân trọng cuộc sống ngắn ngủi này bằng cách sẻ chia, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Bạn sống từng ngày ý nghĩa hơn vì bạn biết được giá trị thực sự của cuộc sống là gì sau ngần ấy những mất mát. 

 

Hình ảnh: Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa

 

Thứ sáu, rằng dịch Covid-19 lần này khiến môi trường trở nên “sạch” hơn?

     Một góc nhìn tích cực từ đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến cho các hoạt động sản xuất, giao thương tạm dừng và đây chính là thời gian để môi trường có cơ hội hồi phục (lượng khí CO2, khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide giảm đáng kể, tầng ozone đang tự làm lành vết thương của mình khi lỗ thủng đạt mức thấp tối đa trong nhiều thập kỷ). Trước những tín hiệu tích cực về môi trường đó, Covid-19 không chỉ giúp chúng ta nhận thức đồng thời cũng thôi thúc ta hành động, cùng nhau xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn trong tương lai. 

 

Hình ảnh: Lượng khí thải CO2 giảm mạnh khi các hoạt động SX tạm dừng
Hình ảnh: Lượng khí thải CO2 giảm mạnh khi các hoạt động SX tạm dừng

 

Thứ bảy, rằng dịch Covid-19 đã và đang thúc đẩy nền công nghệ 4.0 phát triển

     Thời gian giãn cách quá lâu, đa số công việc đều chuyển từ hình thức trực tiếp sang làm trực tuyến tại nhà, học tập online, mua sắm online,... thúc đẩy sự bùng nổ của công nghệ. Cùng với đó là mô hình chuyển đổi số, từ sau khi dịch Covid-19 xảy ra đã khiến nhiều doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với mô hình này nhằm mục đích cải thiện tình hình sản xuất trong giai đoạn khó khăn.

 

Hình ảnh: Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất
Hình ảnh: Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất

 

Thứ tám, đại dịch Covid -19 khiến các Quốc gia xích lại gần nhau hơn

     Vì tính chất lây lan dịch bệnh khắp toàn cầu, do vậy tin chắc rằng  “Không có một quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi quốc gia được an toàn”. Đó chính là lý do cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid -19” đã ra đời, giúp cho các nước nghèo cũng có khả năng tiếp cận được vaccine.

 

Hình ảnh: Đại sứ Nhật Bản chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống COVID - 19 - Ảnh: VGP
Hình ảnh: Đại sứ Nhật Bản chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống 
COVID - 19 - Ảnh: VGP

 

     Việc đại dịch Covid -19 bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, chính trị, xã hội, con người trên khắp toàn cầu là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên nếu nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được nhiều sự thay đổi tích cực từ cơn đại dịch này. 

     Các nhà chức trách cho rằng dịch bệnh “đến rồi đi, không ở lại mãi” song virus thì có thể tồn tạibiến chủng thành nhiều biến thể khác nhau. Do vậy về lâu dài virus corona sẽ có khả năng lây lan nhiều hơn nhưng ít nguy hiểm hơn, và cuối cùng trở nên phổ biến như bệnh cúm mùa thông thường. Vì vậy, về lý thuyết, các khái niệm như “ở yên tại chỗ” sẽ không còn cần thiết nữa và diện mạo “bình thường mới” sẽ là việc chúng ta cần chấp nhận và thích nghi.

     Do đó ngay từ bây giờ chúng ta cần có những nhận định đúng đắn và sẵn sàng quay trở lại với lối sống mới bao gồm các biện pháp như: Đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách an toàn, đo thân nhiệt, rửa tay và khử trùng nhà cửa, nơi làm việc,… Các biện pháp này phải trở thành thói quen thường xuyên của mỗi cá thể trong cộng đồng.

 

Hình ảnh: Tiếp tục duy trì thực hiện 5K như một thói quen
Hình ảnh: Tiếp tục duy trì thực hiện 5K như một thói quen

 

     Việc nền kinh tế ngưng trệ vì các doanh nghiệp, nhà máy phải đóng cửa sản xuất quá lâu đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng “tồn tại” và “vực dậy” của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn người lao động có nguy cơ mất việc làm, thu nhập và đời sống an sinh của họ gặp nhiều khó khăn. Do vậy chúng ta cần xác định tư tưởng “sống và sản xuất chung với dịch” một cách an toàn và hiệu quả. Đó sẽ là lựa chọn bắt buộc phải thích nghi, chúng ta thích nghi sớm, cuộc sống của chúng ta sẽ ổn định sớm.

     Tuy vậy, bên cạnh một số doanh nghiệp, người lao động hồ hởi, phấn khích vì được đi làm lại sau đợt giãn cách xã hội kéo dài quá lâu, thậm chí có một số lao động sẵn sàng tiên phong xin làm việc “3 tại chỗ” trong giai đoạn giãn cách căng thẳng. Thì đâu đó vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc “chết vì đói hay chết vì dịch”. Một số người cho rằng “thà chết đói còn hơn chết vì dịch” với nhiều lý do khác nhau như đi làm sẽ bị lây bệnh, còn ở nhà “có gì ăn nấy” hoặc sẽ nhận hỗ trợ lương thực cơ bản từ địa phương, mạnh thường quân cũng sẽ cầm cự được một thời gian. Còn những người chọn “Thà chết vì dịch còn hơn chết đói” thì cho rằng dịch bệnh chưa biết đến bao giờ sẽ kết thúc, việc lựa chọn ở nhà cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, phát sinh rất nhiều vấn đề như thiếu tiền, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết và chưa kể đến những trường hợp ở nhà cũng vẫn có nguy cơ lây bệnh.

     Thực tế, chúng ta cần nhìn nhận đúng về dịch bệnh và xu thế hiện tại của thế giới. Việc dập dịch triệt để là gần như không thể, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh nếu tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống dịch. Xu thế sống chung với dịch sẽ là xu thế mới, thay vì trốn tránh chúng ta chọn đối diện. Chúng ta có thể phòng ngừa dịch bệnh qua các biện pháp y tế nhưng đối mặt với sự nghèo đói thì gần như là bất lực.

     Ta có thể đói, có thể thắt lưng buộc bụng nhưng con nhỏ không thể thiếu sữa, mẹ già không thể thiếu thuốc. Vậy, thay vì bị động, tại sao lại không chủ động để tự cứu mình trong khi một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện những biện pháp giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm Virus, chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị, y tế, tiêm chủng vaccine phòng ngừa, triển khai và áp dụng các mô hình sản xuất tự nhiên, an toàn, hay các chính sách hỗ trợ tạm thời,… để đảm bảo duy trì sản xuất mà vẫn giữ an toàn, đảm bảo đời sống cho người lao động . Vậy, tại sao chúng ta không dũng mãnh đối mặt?

     Câu hỏi được đặt ra “thà chết đói còn hơn chết vì dịch” hay “thà chết vì dịch còn hơn chết đói” Tất nhiên chúng ta không một ai cần phải chọn “chết vì đói” hay là “chết vì bệnh” cả, chúng ta chọn “chiến thắng”. Chiến thắng trong tư duy, chiến thắng trong hành động, chiến thắng để mang lại hạnh phúc cho chính bản thân, cho gia đình và xã hội. Phương án về lâu dài đó là xác định “sống chung với dịch”, tức là quay trở lại với các hoạt động sản xuất bình thường để đảm bảo cuộc sống, thu nhập nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại, phải chăng tư duy “thà chết đói còn hơn chết vì dịch” là lối tư duy “lỗi thời” và “hèn nhát”?

- Lỗi thời” là bởi sự cố chấp, chưa sẵn sàng để thích nghi với lối sống “bình thường mới”. Là do chưa cập nhật kịp thời rằng tất cả các Quốc gia trên thế giới đã và đang lựa chọn “sống chung với lũ” mặc dù số ca nhiễm hiện tại vẫn tăng mỗi ngày từ vài chục đến vài trăm ngàn ca.

- Hèn nhát” là bởi ta chưa đủ dũng mãnh để đương đầu với khó khăn, thử thách. Nếu coi đợt dịch lần này là một cuộc chiến, vậy thay vì chờ đợi để “chết”, tại sao chúng ta không can đảm xông pha, tham gia chiến đấu cùng mọi người vì cuộc sống của bản thân và gia đình mình?

     Trong giai đoạn hiện nay, điều cần nhất để chúng ta thích nghi và quay trở lại cuộc cuộc sống bình thường đó chính là việc “nâng cấp bản thân mình" cũng như hãy “nâng cấp tư duy”. Tư duy của thế giới thay đổi rồi, tư duy của chúng ta cũng nên thay đổi! Chúng ta học cách dành niềm tin cho chính bản thân của mình, cho đơn vị nơi chúng ta đang công tác và làm việc. 

 

Hình ảnh: Hãy tin tưởng bản thân bạn có thể làm được tất cả
Hình ảnh: Hãy tin tưởng bản thân bạn có thể làm được tất cả

 

     Ngoài ra trở lại với nhịp sống “bình thường mới” còn thể hiện qua việc họp trực tuyến, làm việc từ xa, học online, mua bán và thanh toán bằng các giao dịch điện tử,… Dường như việc áp dụng thay đổi hình thức trực tuyến tại nhà trong thời kỳ Covid đã giải phóng con người khỏi các phương thức làm việc trên giấy tờ, và khả năng làm việc tại bất cứ đâu đã giải phóng con người khỏi những hạn chế về mặt không gian. Chính vì vậy, trong tương lai việc làm việc và học tập từ xa sẽ là một trong những xu hướng cũng như giải pháp quan trọng. 

 

Hình ảnh: Xu hướng làm việc từ xa lên ngôi

 

     Tiếp theo đó, nguồn lao động sau đại dịch Covid-19 chắc chắn cũng sẽ có sự biến động tùy thuộc vào mức độ phục hồi của các ngành nghề. Ví dụ thay thế một số ngành về dịch vụ, du lịch, thì một số ngành nghề khác liên quan đến công nghệ thông tin, làm việc trực tuyến, hay các ngành nghề liên quan tới y tế, sức khỏe,… sẽ phát triển và phổ biến nhiều hơn. 

 

Hình ảnh: Lựa chọn ngành nghề theo xu hướng thị trường?
Hình ảnh: Lựa chọn ngành nghề theo xu hướng thị trường?

 

     Và một điều chắc chắn rằng sau khi trải qua cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu lần này, chúng ta sẽ cần một khoảng thời gian để sắp xếp lại trật tự mọi thứ. Tuy nhiên từ bên trong mỗi người không ít thì nhiều bản thân sẽ nhận thức được sự thay đổi tích cực hơn về cuộc sống, về đổi mới tư duy. Hãy tận dụng chính nguồn năng lực trong khoảng thời gian sống chậm lại này, để cùng tăng tốc và hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai.

Chúc tất cả mọi người bình an và khỏe mạnh vượt qua đại dịch!

 

- VSC -