CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CẦN BIẾT TRƯỚC VÀ SAU KHI TIÊM VACCINE PHÒNG COVID-19

     Trước tình hình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay, thì việc dốc toàn lực để đẩy nhanh hoạt động tiêm vaccine cho toàn dân, đặc biệt tại các khu vực có số ca nhiễm tăng cao ở phía Nam đang là vấn đề cấp thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cũng như việc Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam - Vinatex luôn chăm lo, quan tâm đến sức khỏe - an toàn của người lao động, Vinatex đã và đang đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine 100% cho toàn thể CB - CNV và người lao động đang làm việc tại 3 nhà máy. Với mục tiêu tạo động lực và niềm tin để toàn thể người lao động có thể an tâm khi quay trở lại làm việc. 

 


Tổng Công Ty Dệt May Miền Nam Vinatex tăng cường tổ chức tiêm vaccine cho cán bộ công nhân viên
Nhà máy may Vinatex Bạc Liêu.


     Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng sau khi tiêm vaccine, tùy theo cơ địa của mỗi người sẽ có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm, … các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Và để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh. Dưới đây là một số chia sẻ về chế độ dinh dưỡng mà chúng ta cần lưu ý trước và sau khi tiêm phòng vaccine : 

Thứ nhất, cần bổ sung đủ nước cho cơ thể trước và sau khi tiêm :

     Sau khi tiêm vắc xin, thường có các dấu hiệu đau nhứt, sốt, dễ gây mất nước vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể là việc rất cần thiết. 

     Các loại nước hoa quả có thể uống bổ sung như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, … để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

     Việc uống nước cũng cần uống từ từ, nên chia nhỏ lượng uống, không uống quá nhiều một lúc sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa. 


Bổ sung nước cho cơ thể sau khi tiêm vaccine là điều cần thiết

 

Thứ hai, nên ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm

     Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...). Tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. 

     Rau xanh và quả chín: Rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu sẽ làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh (cần bổ sung các vitamin A-C-D-E và chất khoáng như sắt, kẽm, selen…)

 


Chế độ dinh dưỡng đa dạng giúp cung cấp các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể


Thứ ba, nên ăn các loại thức ăn mềm - dễ tiêu hóa 

     Sau khi tiêm có thể xuất hiện tình trạng buồn nôn và chán ăn sau. Lưu ý “không vì khó chịu chán ăn mà bỏ bữa, chúng ta cần phải ăn đủ chất, uống đủ nước để hạn chế tình trạng sốt và nhanh trải qua vấn đề đang gặp hơn” , có thể lựa chọn những thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh,... và chia nhỏ bữa ăn.
 
Thứ tư, cần biết cách lựa chọn và chế biến thực phẩm

     Thực phẩm phải tươi sống, thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn những thực phẩm như: ăn tái, ăn gỏi, tiết canh, trứng ốp la, trứng sống,…

     Thực hiện 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh giao thớt và rửa tay bằng xà phòng trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. 

 

Thứ năm, không nhịn đói và uống nhiều các nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm

     Nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu (đặc biệt đối với các bạn sợ tiêm)

     Caffein trong trà, cà phê, nước tăng lực,... có thể làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.


Thứ sáu, tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm

     Theo các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm Vaccine vì rượu bia có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu bia trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm Vaccine. 

     Rượu bia còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu bia và phản ứng của vaccine.

 


Kiêng rượu bia sau khi tiêm Vaccine

 

Thứ bảy, tránh ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa

     Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên,… chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.

 


Tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa

 

     Sau khi tiêm vaccine, tùy theo kháng thể của mỗi người sẽ xuất hiện một số phản ứng khác nhau như sốt, buồn nôn, đau nhứt người,… Đây hoàn toàn là những phản ứng thông thường sau tiêm, vì vậy chúng ta cùng lưu ý một số cách bên dưới để áp dụng khi cần thiết 

 

Cách xử trí một số phản ứng thông thường sau tiêm

     ► Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Nếu bị sốt, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C), thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

     ► Vết tiêm bị sưng đỏ, đau: Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

     ► Dị ứng: Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân,… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

     Trên đây là một số chia sẻ cho mọi người về cách đảm bảo sức khỏe trước và sau khi tiêm để giúp hạn chế thấp nhất những biến chứng có thể gặp sau khi tiêm Vaccine phòng Covid - 19. 

 

Tất cả chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, cùng nhau chung tay chiến thắng đại dịch.

 

- VSC -