Vitas và WWF ký biên bản thỏa thuận hợp tác

Ngày 26/10, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã ký biên nhận thỏa thuận hợp tác Dự án “Xanh hoá ngành Dệt May Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Tham dự buổi lễ có ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas; ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia WWF Việt Nam.

 

Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020 với mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực sông Mekong. Các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, nhà máy trên toàn quốc, tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của Ngành tới môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững và thảo luận về kế hoạch hành động chung để đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững. Dự án được tài trợ bởi HSBC, ngân hàng đã có bề dày lịch sử trong hỗ trợ các hoạt động bảo tồn các dòng sông lớn trên thế giới. 
 

 

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ 5 trên thế giới, tuy nhiên việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế. Hiện nay, xu thế của khách hàng toàn cầu ngày càng hướng tới sự bền vững môi trường, dẫn đến nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Dự án ra đời đúng thời điểm quan trọng và rất cần thiết để ngành Dệt May Việt Nam thay đổi cho phù hợp với yêu cầu chung của thị trường. 
 

 

Ông Văn Ngọc Thịnh cho biết, đối với WWF, xanh hoá thành công ngành dệt may Việt Nam sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu rộng lớn hơn của tổ chức về quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là hai vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Về mặt lâu dài, WWF mong muốn nhìn thấy các nhà máy, khu công nghiệp và các nhân tố quan trọng khác của Ngành cùng chủ động giải quyết các rủi ro và tác động, không chỉ trong doanh nghiệp của mình, mà còn quản lý có trách nhiệm những nguồn tài nguyên chung trong toàn Ngành. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với ngành công nghiệp dệt may của các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, WWF tự tin có thể giúp Việt Nam tạo ra một sự thay đổi tích cực lớn đối với ngành dệt may.

Theo vinatex.com