Vinatex tổng kết hoạt động SXKD năm 2016

Ngày 16/12/2016 tại Nha Trang, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tiến hành tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, cùng dự có ông Trần Hữu Bình - Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTƯ, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam và ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn DMVN. Thành phần tham gia hội nghị gồm có thành viên HĐQT, CQĐH, BKS Tập đoàn, Trưởng, Phó các ban chức năng thuộc Tập đoàn, Chủ tịch, TGĐ các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn. Ông Trần Quang Nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc đã chủ trì Hội nghị.

Tổng quan về SXKD và đầu tư phát triển

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường đã báo cáo kết quả SXKD của năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Theo đó, năm 2016 là năm hết sức khó khăn đối với ngành Dệt May Việt Nam do tình hình dệt may toàn cầu đều suy giảm, kim ngạch xuất khẩu của DMVN tăng trưởng chậm hơn các năm trước, chỉ đạt khoảng 28,3 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 5%, tăng gần 1,5 tỷ USD so với năm 2015. Kết quả SXKD của Tập đoàn: Giá trị SXCN (theo giá thực tế) ước đạt 37.757 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; kim ngạch XK (tính đủ) đạt 2.477 tỷ đồng, bằng 104% so cùng kỳ; tổng doanh thu (không VAT) đạt 40.563 tỷ đồng, bằng 103% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ( không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ; thu nhập bình quân người lao động đạt 6.690 nghìn đồng/người/tháng, tăng 8% so cùng kỳ.

Năm 2016 cũng là năm Tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, tổng cộng có 41 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) là 5.523,7 tỷ đồng, trong đó có 9 dự án Sợi có TMĐT 2.048,3 tỷ đồng; 9 dự án Dệt Nhuộm với TMĐT 1.399,5 tỷ đồng; 17 dự án May với TMĐT 1.824,7 tỷ đồng; 6 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị với số tiền 251,2 tỷ đồng. Trong 8 dự án của Công ty mẹ Tập đoàn Dệt May Việt Nam làm chủ đầu tư thì 7 dự án đã đi vào hoạt động, bao gồm: dự án Nhà máy Sợi Nam Định quy mô 2,1 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 4/2016; dự án Nhà máy Sợi Phú Cường quy mô 3 vạn cọc đã hoàn thành giai đoạn I, vận hành chạy thử cuối tháng 5/2016; dự án Nhà máy May Vinatex Cần Thơ gồm 29 chuyền may, vận hành sản xuất thử từ tháng 4/2016, sản lượng dự kiến năm 2016 đạt 0,6 triệu sản phẩm; dự án Nhà máy May Bạc Liêu gồm 25 chuyền may, vận hành sản xuất thử từ tháng 6/2016, sản lượng dự kiến năm 2016 đạt 0,4 triệu sản phẩm; dự án Nhà máy May Vinatex Lệ Thủy - Quảng Bình gồm 20 chuyền may, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016, dự kiến đạt 0,8 triệu sản phẩm năm 2016; dự án May Tuyên Quang gồm 16 chuyền may, vận hành chạy thử tháng 10/2016; dự án Yarndyed phía Nam, sản lượng dự kiến năm 2016 là 3,5 triệu mét vuông, chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2; dự án May Quế Sơn quy mô 20 chuyền may đang được triển khai thực hiện. 7/8 dự án đã thực hiện góp phần tăng năng lực cho Tập đoàn về Sợi (chi số bq Ne 30) tăng thêm 3.130 tấn; Vải tăng 3,5 triệu mét vuông, May tăng hơn 2 triệu sản phẩm.

Công tác quản trị DN và phát triển NNL

Công ty mẹ Tập đoàn đã triển khai dự án “Tư vấn Nâng cao năng lực Quản trị doanh nghiệp” với đơn vị tư vấn E&Y Việt Nam để nâng cao năng lực quản trị, kiện toàn bộ máy tổ chức, củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân sự của Tập đoàn, áp dụng những cải tiến trong hoạt động vận hành, quản trị. Hiện tại đã hoàn thành khởi động dự án và 1 phần của Hợp phần, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành vào quý 1 và quý 2 năm 2017. 

Về công tác quản lý NNL và đào tạo, Tập đoàn đã tổ chức các lớp đào tạo quản lý đơn hàng (Merchandiser), đào tạo giám đốc xí nghiệp dệt may, quản lý công trình xây dựng. Với khối Viện, Trường, năm 2016 có tổng số học sinh sinh viên là 21.241 người, trong đó đã tuyển 500 sinh viên năm thứ nhất cho Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Số sinh viên tốt nghiệp là 13.505 người. Về công tác tài chính, đảm bảo đủ vốn đầu tư mới các dự án từ các nguồn khác nhau: vốn vay NH thương mại, vốn từ Quỹ đất, nguồn vốn khác, nhằm khai thác đa nguồn vốn rẻ để nâng cao hiệu quả hoạt động của dự án. Tập đoàn đã giải ngân vốn OCR được 61.691.724 USD - mức giải ngân cao nhất so với 3 DN được vay vốn ưu đãi cùng đợt từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Đánh giá chung

Dưới đây là danh sách các đơn vị hoàn thành kế hoạch năm 2016:

Nhóm các đơn vị tập đoàn có vốn chi phối trên 50%

Nhà máy Sợi Phú Hưng, doanh thu đạt 138% KH, tăng 54% so với cùng kỳ, KNXK đạt 139%, tăng 54%; Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, lợi nhuận đạt 100% KH, tăng 8% so với cùng kỳ; Công ty CP Đầu tư Phát triển Vinatex doanh thu đạt 106%, tăng 19% so với cùng kỳ; Tổng Công ty CP Phong Phú, lợi nhuận hợp nhất đạt 118% KH; Công ty CP Dệt May Huế, lợi nhuận đạt 101,5% KH; Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương lợi nhuận đạt 104% KH.

Nhóm các đơn vị Tập đoàn có vốn dưới 50%:

Tổng Công ty May Hưng Yên đạt 162% KH; Dệt Việt Thắng đạt 127,9% KH; May Việt Tiến đạt 101,7 % KH ; May Nhà Bè, May Đức Giang đạt 100% KH; các công ty Dệt Vĩnh Phú đạt 101,7% KH, May Hữu Nghị, Dệt lụa Nam Định đạt 100% KH.

Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT đã đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan điều hành Tập đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp để đạt được tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Căn cứ vào tình hình dự báo thị trường thế giới và trong nước, cùng với năng lực hiện có, Chủ tịch đề ra các mục tiêu kinh tế cho năm 2017: Tổng doanh thu tăng 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, lợi nhuận tăng 6%. Để đạt được các mục tiêu này, Chủ tịch cũng đề nghị các đơn vị cần tăng cường tính chủ động trong công tác thị trường, đặc biệt các thị trường trọng tâm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo dõi sát sao thị trường dệt may, thị trường nguyên phụ liệu thế giới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, tìm hiểu và mở thêm thị trường mới, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định FTAs đang có hiệu lực.

Hình thành mô hình tài chính tập trung, phát huy hiệu quả nguồn vốn rẻ, điều động vốn linh hoạt tại các đơn vị. Tăng cường năng lực quản trị tài chính, rủi ro. Liên kết tài chính tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên Tập đoàn là công ty đại chúng phải hoàn thành niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong Công tác đào tạo NNL cần phải bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tuyển dụng được cán bộ có năng lực, cán bộ nước ngoài cho các dự án mới, cán bộ làm thị trường. Có chế độ đãi ngộ tiền lương, thù lao hợp lý để thu hút nhân tài, ổn định lực lượng lao động. Triển khai hợp đồng trách nhiệm pháp lý với người đại diện vốn. Điều động luân chuyển thay thế người đại diện khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đổi mới chế độ người đại diện. Cơ quan điều hành Tập đoàn cần tổ chức các chuyên đề để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Thứ Trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo Hội Nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội Nghị, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và phát huy hiệu quả các dự án đầu tư, nên đã có kết quả đáng khích lệ. Thứ trưởng đề nghị trong giải pháp cho năm 2017 cần đề cập đến việc sản xuất phải gắn với đảm bảo môi trường và tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học áp dụng vào các sản phẩm dệt may, có như vậy mới đem lại giá trị trong xuất khẩu. Ngoài các chuỗi liên kết trong nội bộ DN, Tập đoàn cần xây dựng chuỗi liên kết với các tổ chức kinh tế khác để phát huy được hiệu quả doanh nghiệp. 

Theo vinatex