Ngành dệt may: Trang bị kỹ năng phòng, chống cháy nổ cho người lao động

Mới đây, vụ cháy xưởng chăn, ga ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) làm 3 người tử vong tiếp tục là cảnh báo về vấn đề mất an toàn phòng, chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, đơn vị dệt may. Các chuyên gia cảnh báo, năm 2022 là thời điểm doanh nghiệp dệt may tăng tốc sản xuất nhằm phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Điều này khiến không ít người lao động tăng ca nhiều hơn, doanh nghiệp phải đẩy mạnh sản xuất… Nếu không cẩn trọng, dễ dẫn đến nguy cơ quá tải, chập điện, cháy nổ.

Ngành dệt may:

Diễn tập thoát hiểm tại Tổng công ty May 10

Hà Nội là một trong những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, đơn vị dệt may và cơ sở may mặc của các làng nghề. Thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ. Các cấp công đoàn cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động trong ngành về công tác này. Điển hình, hàng năm, công đoàn Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội phối hợp với lãnh đạo các công ty, nhà máy tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ, người lao động và cấp đủ trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu công việc. Riêng với người lao động làm công việc có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt như nồi hơi, máy nén khí, thông gió, máy lạnh…, được tạo điều kiện tham gia các khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động…

Văn phòng Công đoàn Dệt may Việt Nam tại Hà Nội cũng tổ chức tập huấn, thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2022 cho toàn thể cán bộ, công nhân viên. Nội dung tập huấn bao gồm: Kiến thức về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Điều này góp phần nâng cao nhận thức cho người lao động; xây dựng môi trường làm việc an toàn. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, doanh nghiệp, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ chưa được chú trọng hoặc thực hiện chưa hiệu quả.

Để thực hiện tốt hơn công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, đơn vị dệt may, giới chuyên gia cho rằng, công đoàn, chủ cơ sở sản xuất cần tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người lao động; chú trọng kiện toàn, củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại cơ sở, quan tâm chế độ phụ cấp cho các an toàn vệ sinh viên cũng như tuyên truyền huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên...

Đặc biệt, nâng cao kiến thức về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người lao động. Bởi trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ cháy, nổ như thời gian vừa qua, nếu không có kiến thức, kỹ năng, người lao động sẽ không xử lý tình huống cũng như kỹ năng thoát nạn.

Thanh Tâm
https://congthuong.vn/nganh-det-may-trang-bi-ky-nang-phong-chong-chay-no-cho-nguoi-lao-dong-220093.html
congthuong