Một số đặc điểm thị trường và nhu cầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Úc

Trước hết, về việc Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết vào ngày 08/3/2018 vừa qua tại Chile, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia thành viên. Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. 

 

 

Úc là một nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G20, với dân số khoảng 24 triệu người, tổng thu nhập quốc nội GDP khoảng 1.390 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang giá sức mua khoảng 50.000 USD/người/năm, là một thị trường có sức mua khá lớn và có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm dệt may.

Hiện nay, Úc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trao đổi thương mại giữa hai nước tăng trưởng khả quan trong những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch XNK Việt Nam-Úc đạt 6,46 tỉ USD, tăng 22,2% so với năm 2016, mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, trong đó, XK của Việt Nam sang Úc đạt 3,3 tỉ USD, tăng 15,1% so với năm 2016, NK của Việt Nam từ Úc đạt 3,17 tỉ USD, tăng 30,1% so với 2016. Trong vài năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Úc ngày càng quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam và ngược lại. Nhân chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 15/3/2018vừa qua, Thủ tướng của hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Úc.

Năm 2017, Úc nhập khẩu khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 173 triệu USD (chiếm khoảng 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may từ thế giới của Úc). Các sản phẩm dệt may có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Úc bao gồm chủ yếu là các sản phẩm dệt may thuộc các chương (trong biểu thuế HS) như chương 62 (Quần áo và hàng may mặc phụ trợ không dệt kim hoặc móc), 61 (Quần áo và hàng may mặc phụ trợ dệt kim hoặc móc), 63 (Các mặt hàng dệt khác, vải vụn), 57 (thảm và các loại hàng dệt trải sàn), 56 (Mền, xơ, phớt và các sản phẩm không dệt, các loại sợi đặc biệt), 54 (sợi filament nhân tạo), 65 (mũ và vật đội đầu khác). Nhập khẩu các sản phẩm thuộc 07 chương này đạt 8,7 tỷ USD, chiếm tới trên 90% tổng giá trị nhập khẩu dệt may của Úc. Ngoài ra, Úc còn nhập khẩu sản phẩm dệt may thuộc các chương 59, 55, 60, 67, 52, 51, 58, 66, 53, 50 với kim ngạch từ vài chục triệu cho tới 200 triệu USD.

Với Chương 62, Úc nhập khẩu 3,1 tỷ USD, chủ yếu là các sản phẩm trong nhóm HS 6203 (bộ complet, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer, quần dài, quần sooc dùng cho nam giới hoặc bé trai); HS 6204 (bộ complet, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer, áo váy, chân váy, quần ống chẽn, quần sooc dùng cho nữ giới và bé gái); và HS 6205 (áo sơ mi nam hoặc bé trai), HS 6206 (áo blouse, sơ mi nữ hoặc bé gái). Việt Nam hiện chiếm thị phần nhập khẩu là 4,3%, tương đương 127 triệu USD. Đối thủ cạnh tranh gồm Trung Quốc (thị phần nhập khẩu 65%), Bangladesh (thị phần 7,6%), Indonesia (thị phần 4,3%), Ấn Độ (3,8%), Thổ Nhĩ Kỳ (1,3%).

Với Chương 61, Úc nhập khẩu khoảng 3,09 tỷ USD, chủ yếu là các sản phẩm trong nhóm HS 6109 (áo phông, áo may ô dệt kim hoặc móc), HS 6110 (áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy dệt kim hoặc móc), HS 6104 (bộ complet, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer, áo váy, chân váy, quần ống chẽn, quần sooc dùng cho nữ giới và bé gái làm bằng chất liệu dệt kim hoặc móc), HS 6108 (các loại váy, áo choàng tắm, áo khoác ngoài dùng trong nhà cho phụ nữ và trẻ em gái làm bằng chất liệu dệt kim hoặc móc) và HS 6114 (các loại quần áo khác dệt kim hoặc móc). Việt Nam hiện chiếm thị phần nhập khẩu 2,4%, tương đương kim ngạch 85 triệu USD. Đối thủ cạnh tranh gồm: Trung Quốc (thị phần nhập khẩu 66,2%); Bangladesh (thị phần nhập khẩu 12,3%); Cam-pu-chia (2,5%); Indonesia (2,4%); Ấn Độ (2,1%); Thái Lan (1,4%).

Với Chương 63, Úc nhập khẩu khoảng 1,36 tỷ USD, chủ yếu là các sản phẩm trong nhóm HS 6302 (khăn trải giường, khăn trải bàn, khăn trong phòng vệ sinh, khăn nhà bếp); HS 6307 (các loại khăn lau khác); HS 6306 (vải chống thấm nước, lều, tấm che nắng...). Việt Nam hiện chiếm thị phần nhập khẩu 1,2%, tương đương kim ngạch khoảng 13,3 triệu USD. Đối thủ cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam là Trung Quốc (thị phần nhập khẩu 64%); Ấn Độ (9,6%); Pakistan (6,1%); Bangladesh (3,4%); Hoa Kỳ (3,1%), Thái Lan (1,3%), Indonesia (0,8%).

Với chương 57 và 54, Việt Nam không xuất khẩu nhiều sang Úc. Với chương 65 về mũ đội đầu, năm 2017, Úc nhập khoảng 208 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 4,7 triệu USD, tương đương với thị phần nhập khẩu 2,3%. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Trung Quốc (thị phần nhập khẩu 64%), Hoa Kỳ (10%), Bangladesh (3,4%), Nhật Bản (3,1%), Italy (2,4%).

Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Úc sẽ giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong năm đầu tiên, năm thứ hai, năm thứ ba kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và về 0% từ năm thứ tư kể từ ngày có hiệu lực đối với hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm HS 6203, HS 6204, HS 6206. Đối với nhiều sản phẩm thuộc nhóm HS 6205, thuế nhập khẩu của Úc sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu MFN đối với các sản phẩm này là 10%. Lộ trình giảm thuế đối với các sản phẩm trong nhóm HS 6104, 6108, 6109, 6110, 6114 cũng tương tự như vậy, sẽ về 0% hoàn toàn vào năm thứ tư. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm HS 6302, thuế nhập khẩu sẽ về 0% hoàn toàn vào năm thứ tư, các mặt hàng có mã HS 6306 và HS 6307 sẽ về 0% từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực (thuế MFN là 5%). Thông tin về biểu cam kết thuế quan của Úc có thể tra cứu tại trang web Trung tâm WTO của VCCI.

Một số ví dụ và con số nêu trên cho thấy, Úc là thị trường hết sức tiềm năng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam còn chiếm thị phần nhập khẩu tương đối nhỏ tại Úc về sản phẩm dệt may và tiếp tục còn dư địa để mở rộng. 
Kim ngạch nhập khẩu sản phẩm dệt may của Úc trong 5 năm qua tăng trưởng khá ổn định, trung bình hàng năm từ 3-4%/năm. Một yếu tố thuận lợi là thị trường Úc còn có một lợi thế là giá bán lẻ hàng hóa Úc nói chung và hàng dệt may nói riêng thường cao hơn giá nhập rất nhiều, thậm chí với hàng cao cấp có thể gấp 9-10 lần giá cả Việt Nam giao cho khách hàng. Tại thời điểm hiện nay đang có khuynh hướng doanh nghiệp Úc chuyển sang nhập khẩu và đặt gia công tại thị trường Việt Nam do chi phí nhân công tại Việt Nam cạnh tranh hơn so với tại Trung Quốc cộng thêm việc được hưởng ưu đãi do cả hai nước là thành viên Hiệp định AANZFTA đã có hiệu lực và trong thời gian tới là Hiệp định CPTPP.

Thúc đẩy quảng bá sản phẩm trong đó có việc tăng cường tham dự hội chợ triển lãm là việc cần thiết để tăng các hợp đồng lớn và tăng kim ngạch xuất khẩu.  Mặc dù quy mô thị trường của Úc đối với hàng dệt may rất lớn nhưng đã một thời gian dài hàng dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm thị phần áp đảo. Những năm qua, kim ngạch nhập khẩu dệt may của Úc từ Trung Quốc thường chiếm hơn 60%. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường Úc sớm hơn doanh nghiệp nước ta vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam không dễ cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc thì Ấn Độ cũng tích cực đẩy mạnh thâm nhập thị trường Úc.

Đã nhiều năm nay Trung Quốc luôn có khu dành riêng trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế nguồn hàng dệt may được tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng 11 tại Melbourne. Tại hội chợ này luôn có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp tham dự là đến từ Trung Quốc và 1/4 số doanh nghiệp đến từ Ấn Độ, trong khi vài năm gần đây mới có một số doanh nghiệp Việt Nam tham dự.

Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Úc. Các doanh nghiệp Úc thường đặt hàng với các đơn hàng khởi đầu có quy mô khá nhỏ để tìm hiểu khả năng của nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường. Có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ qua thị trường Úc vì lý do này. Tuy nhiên, khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá xuất khẩu sang Úc cũng tốt hơn một số thị trường lớn khác. Ngoài ra, khi đã tin tưởng, các nhà nhập khẩu Úc sẽ làm ăn lâu dài, ít khi thay đổi bạn hàng. Do đó, thị trường Úc là một thị trường hết sức tiềm năng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam và còn nhiều dư địa để khai thác.

Nguồn hàng nhập khẩu dệt may của Úc

Một số công ty về dệt may của Úc

(1) Pacific Brands Limited (Thị phần 5,1%)

http://www.pacificbrands.com.au/

(2) Premier Investments Limited (thị phần 4,4%)

www.premierinvestments.com.au

(3) Specialty Fashion Group Limited (thị phần 3,6%)

http://www.specialtyfashiongroup.com.au/

(4) The PAS Group Limited (1,4%)

http://www.thepasgroup.com.au/

(5) Outdoor Clothing Concepts Pty Ltd (1,1%)

http://www.occapparel.com.au/

(6) Myer

http://www.myer.com.au/shop/mystore/home

(7) Adelphi Tailoring Co - Adelphi Apparel

http://www.adelphiapparel.com.au/

(8) Arc Fashion Group Pty Ltd - Arc Fashions

https://www.archfashion.com.au/

(9) Baobag Clothing

https://www.baobab.com.au/

(10) Bluedog Clothing Australia

www.bluedogclothing.com.au

Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi - Bộ Công Thương

Theo vinatex.com