Lắng nghe người dân hiến kế: Thu hút, giữ nguồn lao động

Đại dịch Covid-19 đã để lại hố sâu suy thoái sau những bước chân khổng lồ mà nó đi qua. Việc san bằng khoảng cách và lấp đầy những hố sâu ấy đang được đặt ra giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều động thái phục hồi ngoạn mục.

Thu hút lao động bằng phúc lợi

Theo thông cáo báo chí tình hình lao động - việc làm quý I/2022 của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động đang dần phục hồi, đặc biệt trong nhóm ngành du lịch. Số người có việc làm trong quý I/2022 tăng so với quý IV/2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên từ 15-24 giảm 0,85% so với quý liền kề. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp ở nông thôn vẫn khá cao và nhu cầu lao động ở thành thị đang tăng nhanh chóng khi kinh tế mở cửa, nhiều thành phố lớn như TP HCM vẫn "khát lao động".

Hiện nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch… đang thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 người, cao hơn 2%-3% so với những năm trước. Trong khi đó, vì mới trải qua sự suy thoái kinh tế từ năm 2021, nguồn vốn để phục hồi của các doanh nghiệp này trở nên thu hẹp nên các chế độ đãi ngộ, phúc lợi, tiền lương cho người lao động cũng tỉ lệ thuận với tiềm lực tài chính doanh nghiệp hiện có.

Muốn hồi phục nền kinh tế sản xuất thì nguồn cung lao động cần được đáp ứng, đặc biệt là các lao động có chuyên môn cao. Vấn đề đáng được quan tâm đó là làm sao để thu hút lao động quay lại thành phố, khi đã có khoảng 1,3 triệu lao động chuyển dịch về nông thôn?

Trước tình hình ấy, thứ cần kíp lúc này là sự hỗ trợ của chính quyền trong việc cải tiến các chính sách an sinh xã hội nhằm thu hút lao động, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong đó, 3 nhu cầu thiết yếu nhất của họ: tiền lương, bảo hiểm và nhà ở.

Lắng nghe người dân hiến kế: Thu hút, giữ nguồn lao động - Ảnh 1.

Hiện nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… đang thiếu hụt lao động.

(Ảnh: Hoàng Triều)

Việc tăng mức lương tối thiểu, giảm mức đóng nhưng tăng mức hưởng bảo hiểm, hỗ trợ nhà ở xã hội, nâng cấp nhà trọ công nhân đạt chuẩn... đang là những việc làm thiết thực mà nhà nước đề ra, song quá trình thực hiện cũng đang gặp những trở ngại, cần nhiều thời gian để hiện thực hóa.

Việc giản lược tối đa quy trình xét duyệt hồ sơ xin hỗ trợ của người lao động cũng cần thiết được đặt ra trong quá trình thu hút và tạo niềm tin cho họ quay lại thành phố.

Xây dựng kinh tế số, "thị trường lao động digital"

Dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế - xã hội, đưa đến những thay đổi sâu sắc trong thế giới việc làm. Những vấn đề hội nhập, biến đổi môi trường, đổi mới công nghệ cũng đã làm phát sinh thêm các hình thức công việc cũng như cách thức tuyển dụng. Với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và đời sống, đã tạo ra một hình thức tuyển dụng và làm việc mới, đó là trực tuyến.

Nhiều lao động về quê, thay đổi nơi ở, muốn quay lại thị trường nhưng sợ chưa có việc làm, không ổn định tài chính để thuê trọ và các chi phí khác. Vì vậy, việc nộp hồ sơ, phỏng vấn online qua các nền tảng số đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Điều này xóa bỏ những lo lắng cho người lao động cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian cho họ cùng doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng.

Tuy vậy, việc tiếp cận thông tin ứng viên và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang thiếu một cầu nối, đặc biệt với những lao động phổ thông ít sử dụng các nền tảng số.

Vì lẽ đó, chúng ta cần có biện pháp xây dựng một kho dữ liệu lao động, từ nguồn dữ liệu dân cư và các thủ tục hành chính được tích hợp trong thẻ căn cước công dân gắn chip. Lập trang web chính thống chung cập nhật hồ sơ lao động cũng như nhu cầu việc làm từ các doanh nghiệp, rõ ràng về địa điểm và đãi ngộ, để kết nối hai bên với nhau.

Covid-19 đã dạy cho chúng ta bài học rằng một kho dữ liệu số về lao động và việc làm cần thiết như thế nào trong bối cảnh bị chia cách vì dịch bệnh. Bây giờ là lúc chúng ta phải gấp rút hiện thực hóa nó cho quá trình phục hồi kinh tế. Đây là một thách thức cần sự thay đổi trong cả một hệ thống giáo dục cũng như hội nhập. Vấn đề đào tạo nhân lực cho việc phát triển kinh tế số, thị trường lao động digital, cần được đặt ra trong các trường học, cơ sở nghiên cứu, tránh việc vẽ cái bánh quá to mà lại không đủ sức để "tiêu hóa" nó.

Nguyễn Trần - Thanh Trúc

https://nld.com.vn/ban-doc/thu-hut-giu-nguon-lao-dong-20220613213939088.htm

NLD