DMVN - ứng phó ra sao khi TPP không có Mỹ?

TPP là một trong những Hiệp định thương mại tự do mất nhiều công sức chuẩn bị nhất, kéo dài đàm phán và tốn không biết bao giấy mực của giới truyền thông cũng như đem lại kỳ vọng lớn cho nhiều bên tham gia, nhất là Việt Nam với ngành dệt may có liên quan trực tiếp. Trước chuyển biến bất ngờ khi Mỹ, đối tác quan trọng hàng đầu trong TPP, quyết định rút chân. Ngành DMVN sẽ ứng phó ra sao với cú sốc này?

Không hoàn toàn bất lợi

Trong những năm qua, chúng ta bàn nhiều về lợi thế, cơ hội và thách thức với Việt Nam khi tham gia TPP. Nước ta được đánh giá là một trong những quốc gia có thể đạt được tăng trưởng nhiều nhất từ TPP. Nhưng những cơ hội đó đòi hỏi điều kiện liên quan đến thể chế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có thể hấp thụ được lợi ích của TPP. Trong khi đó, thách thức cũng không nhỏ bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Do đó, về giả thuyết, nếu TPP không có Mỹ thì vẫn còn một số điểm có lợi cho Việt Nam. Chúng ta sẽ có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị đủ điều kiện cho các hiệp định chung. Kể cả khi TPP được thông qua, chúng ta cũng chưa thể hưởng lợi ích ngay, mà phải có thời gian chuẩn bị các điều kiện như nội địa hóa xơ sợi, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may trong một số năm. Trong lúc này, Việt Nam còn thiếu hụt về tỷ lệ nội địa hóa....

Một đại diện của Vitas cho rằng: TPP có đạt thỏa thuận hay không, thì không ảnh hưởng đến dệt may Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu dệt may sang Mỹ bởi hiện đây đã là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. 

Trong trường hợp Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc có khả năng thế chân thì liệu có khiến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng do cạnh tranh, đối kháng trực tiếp với hàng Trung Quốc tại nhiều thị trường xuất khẩu? Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tham gia TPP, chắc chắn các cơ chế đàm phán sẽ rất khác với TPP "gốc" hiện nay và ưu đãi cũng như rào cản thị trường sẽ khác biệt nhiều. Nếu TPP có Trung Quốc cũng không ảnh hưởng gì đối với DMVN, bởi hiện Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định tự do song phương và đa phương có Trung Quốc như ACFTA, WTO, ASEAN+ 3, ASEAN +6... chúng ta vẫn xuất khẩu bình thường đến các nước, trong đó có cả Mỹ.

Việt Nam hút FDI không phải chỉ vì TPP

Khi chưa có sự việc đàm phán ký TPP, thì tự thân Việt Nam cũng đã có sức hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư nước ngoài vào dệt may. 

Tuy TPP cũng mang lại lợi thế cho Việt Nam nếu được thực thi, nhưng trong bối cảnh TPP bị bãi bỏ, thì DN FDI cũng không vì thế mà thu hẹp sản xuất, hay thậm chí giảm đầu tư. Lâu nay, dư luận đang hiểu một chiều về xu hướng FDI đầu tư vào ngành dệt may là vì TPP. Điều này chưa đúng, bởi TPP chỉ là cái cớ, là 1 nguyên nhân, còn lại Việt Nam vẫn bắt mắt các nhà đầu tư là do: nền kinh tế hướng mở, xuất khẩu, có nhiều hiệp định FTA với thuế suất bằng 0% từ WTO, từ FTA với EU, Nhật, Hàn... Hơn nữa, Việt Nam lại chưa có ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đúng nghĩa, thiếu xơ sợi, dệt nhuộm. Đây là mắt xích được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn nhất thời gian qua, họ vừa muốn tận dụng chi phí giá rẻ, vừa muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, để hướng đến xuất khẩu từ nhiều thị trường khác nhau.

Tạm dừng để chuẩn bị kỹ hơn

TPP không là chiếc đũa thần cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, cho dù năm qua dệt may xuất sang Mỹ đạt hơn 11 tỷ USD. Ngoài TPP, Việt Nam còn có trên 10 hiệp định FTA đã, đang và sẽ ký, do đó, chỉ cần DMVN chuẩn bị kỹ lưỡng, rèn rũa lại mình thì sẽ khai thác được nhiều thị trường khác, trong đó có cả Mỹ.

Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP là cơ hội để Việt Nam xem lại các FTA trước đây chúng ta đã có những chuẩn bị kỹ để thu được lợi ích hay chưa. Mỹ là thành viên sáng lập, họ sẵn sàng từ bỏ TPP vì lợi ích của mình, chúng ta cũng cần cân nhắc để đánh giá lại hội nhập có thực chất lợi ích cho ta hay không? TPP không hẳn chỉ mang lại những cái tốt cho Việt Nam, còn là những thách thức. Đó là việc liệu DMVN có kịp thời phát triển bứt phá, để xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi theo luật chơi của TPP hay không.

Hiện nay, có thể thấy rõ là khi TPP đàm phán xong, hầu hết các DN Việt Nam đường như chưa thực sự chuẩn bị tích cực để đủ điều kiện đáp ứng luật chơi và hưởng lợi từ Hiệp định. Do đó, việc dừng TPP cũng không khác nhiều nếu TPP được thông qua.

Bên cạnh đó, mặt tiêu cực khi mở cửa thị trường hội nhập trong khi chúng ta chưa chuẩn bị tốt là hàng hoá của các nước thành viên sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh với hàng hoá của chúng ta tại thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa chúng ta phải nhập khẩu các nguyên phụ liệu để xuất khẩu, như vậy gia tăng giá trị xuất khẩu chứ chưa gia tăng giá trị gia tăng cho người Việt Nam.

Vì vậy, đây vẫn là thời điểm các DN DMVN cần tích cực chuẩn bị cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, tăng năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho hàng hóa dệt may của Việt Nam. Từ đó chuẩn bị tư thế sẵn sàng hội nhập bất cứ lúc nào cho các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

PK(Tổng hợp)

Nguồn Vinatex