May hàng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tại Công ty may Hồ Gươm (Hưng Yên). Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Nhiều ý kiến từ doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, để vào được thị trường EU với những tiêu chí mới, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cao công nghệ, đáp ứng truy xuất nguyên liệu và đảm bảo an toàn môi trường.
Luật chơi mới
Theo thông tin từ Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chiến lược mới này bao gồm nhiều yếu tố để tạo ra động lực cho ngành dệt may, chẳng hạn, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng - nói cách khác, nằm trong một vòng tuần hoàn. Ngoài các tiêu chí thiết kế, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường, còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa và thành phần sợi.
Dự kiến, quy định thiết kế sinh thái cuối cùng phải được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua, dự kiến vào cuối năm 2023, trước khi các tiêu chí đầu tiên cho các nhóm sản phẩm khác được xác định, dự kiến vào năm 2024.
Châu Âu vốn là thị trường truyền thống và trọng điểm của ngành dệt may, da giày. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp đã tận dụng tốt ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận, bản thân các doanh nghiệp đã có sự thay đổi về chất lượng sản phẩm, cùng đó là sự tuân thủ các quy định của thị trường.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso), để vào được thị trường EU, chất lượng sản phẩm đòi hỏi tính an toàn cao hơn các sản phẩm đi thị trường khác, do vậy, sự tuân thủ của doanh nghiệp cũng phải nâng lên. Tiếp theo là các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cũng phải tham gia đào tạo, thực thi. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, khi các sản phẩm xuất khẩu vào EU đòi hỏi các nhà máy đạt được các điều kiện về môi trường, an toàn lao động. Đạt được các tiêu chí đó khách hàng từ EU mới có thể nhập khẩu.
"Để đáp ứng các điều kiện đó thì doanh nghiệp cũng phải cải tiến, đổi mới chất lượng nhân lực, cũng như hệ thống cơ sở sản xuất, đặc biệt là sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh mới đáp ứng được tiêu chuẩn của EU. Tiêu chí xuất xứ giày dép trong EVFTA khá giống với tiêu chí xuất xứ trong quy tắc xuất xứ mới của EU dành cho da giày Việt Nam nên doanh nghiệp đã quen và đáp ứng tốt", bà Thanh Xuân nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên, thị trường châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu này là rất nghiêm ngặt. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam đều phải đạt yêu cầu về thiết kế sinh thái để tăng độ bền, khả năng tái sử dụng, sửa chữa, tái chế. Do vậy, doanh nghiệp phải tuân thủ, từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất.
Để đảm bảo xuất khẩu sang thị trường EU, đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Song theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và có thể thích ứng được các quy định mới từ phía thị trường EU. Bởi với các doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu sang EU, tuân thủ quy tắc trong EVFTA thì đã làm quen với những điều này. Chỉ những doanh nghiệp nhỏ, còn yếu về công nghệ và năng lực sản xuất đang gặp khó khăn.
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây. Ảnh (tư liệu): Trần Việt/TTXVN
Vượt khó để tăng xuất khẩu
Mặc dù doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá tốt, đáp ứng tiêu chuẩn và tận dụng EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, ngay từ khi Hiệp định thương mại EU - Việt Nam được thực thi, ngành da giày tận dụng khá tốt hiệp định này. Trước đây kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU đạt từ 25-28%, thì nay nâng lên 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. "Chúng tôi kỳ vọng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ mở rộng sản xuất để hướng vào thị trường EU, nhưng sẽ là rất khó", bà Xuân nói.
Sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày gần đây đã có sự mở rộng để đáp ứng xuất xứ và tạo giá trị gia tăng tốt hơn. Trước đây tỷ lệ nội địa hóa chỉ 45%, đến nay đã đạt hơn 55%, riêng giày vải, doanh nghiệp trong nước đã chủ động 100%, giày thể thao chủ động từ 70-80%.
Tuy vậy, việc thực hiện các quy định mới từ EU vẫn là khó khăn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành da giày, dệt may. Bởi theo bà Phan Thị Thanh Xuân, khối doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu từ trước thì việc tuân thủ quy định mới về sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường, công khai các thông tin về sử dụng hóa chất, vải… là có thể, nhưng với doanh nghiệp nhỏ, số vốn và năng lực còn hạn chế thì việc phải thay đổi, nâng cấp cho phù hợp quy định sẽ khó khăn hơn.
Doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn khi xuất vào EU và điều này ảnh hưởng nhiều đến đầu tư công nghệ. Thứ hai nữa là đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững liên quan đến môi trường, lao động. Doanh nghiệp cũng phải nâng cao hơn tính tuân thủ, đáp ứng quyền lợi nghĩa vụ với người lao động, mặt khác về môi trường, phải hướng tới việc sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ xanh, tiến bộ để không gây ảnh hưởng môi trường.
Cơ hội đơn hàng từ EU cho ngành da giày, dệt may vẫn rất tốt. Tuy nhiên, để xuất khẩu, ngoài việc xuất xứ sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tái chế, thì việc đáp ứng những tiêu chuẩn về lao động, môi trường là rất cần thiết.
Ông Vũ Đức Giang cho hay, để thâm nhập thị trường EU, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn rất nhiều, cả về mặt trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường. Giải pháp quan trọng là đầu tư vào công nghệ bởi công nghệ cao sẽ giải quyết thâm hụt lao động và cả vấn đề môi trường.
Về tăng trưởng xanh, Chủ tịch VITAS cho rằng, tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch ở một số nơi chiếm đến 31-32% trong tổng lượng điện tiêu thụ. Trong khi đó, số doanh nghiệp dệt may sử dụng năng lượng sạch đã lên đến 60-65%, hoặc là tự mua điện hoặc là tự đầu tư lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời. Ông Giang cho rằng, trong 5 đến 7 năm tới, 100% công ty dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu năng lượng sạch.
Các chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Do vậy, ngoài sự nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cần có giải pháp khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu. EU đang thắt chặt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, nên việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải chuyên ngành chung hiện đại là định hướng mà các địa phương cần đẩy mạnh.
Đặc biệt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do…