Câu chuyện bí ẩn của ngành thời trang

Hơn 75% quần áo xuất khẩu và 50% hàng dệt may xuất khẩu trên thế giới được sản xuất ở các nước đang phát triển. Tác động môi trường do sản xuất quần áo tạo ra thường ở cách xa những người như chúng ta, nên tạo ra sự đứt gãy giữa trách nhiệm tiêu dùng và thải rác.

Chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ trước hơn 92 triệu tấn chất thải rắn bị đổ vào bãi chôn lấp mỗi năm. Với số lượng vải bị vứt bỏ, hoặc hàng triệu món đồ may mặc đưa tới bãi chôn lấp để đốt, chúng ta đã đánh mất một nguồn tài nguyên đáng giá: 1,2 tỷ tấn CO2 khí thải sinh ra hàng năm trên các dây chuyền sản xuất thời trang; những đường dẫn nước bị ô nhiễm; các xưởng sản xuất nơi người lao động thủ công, bao gồm cả trẻ em bị bóc lột, phải dành hàng giờ làm việc dưới điều kiện tệ hại trong khi đồng lương cực thấp.

thoi trang anh 1

Ngày càng có nhiều người có thói quen mua sắm quần áo trực tuyến.Ảnh: lecine.

Sự phát triển của mua sắm trực tuyến

Chưa ai từng nghĩ rằng các thương hiệu phổ biến trên những con phố lớn có khả năng phải chịu thua lỗ, nhưng nhờ sự phát triển của Internet, ngày càng nhiều cửa hàng quần áo đang phải đóng cửa và ngày càng nhiều người mua sắm chỉ với một ngón tay trên các cửa hàng ảo.

Sự dịch chuyển từ mua sắm thực tế sang mua sắm trực tuyến có thể mở ra cơ hội cho những thương hiệu đang làm điều đúng đắn và coi trọng tính bền vững, nhưng đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra.

Thay vì thế, công nghệ lại mở ra con đường để các nhà bán lẻ nhái lại bộ váy bó sát mới được một người nổi tiếng nào đó mặc ngày hôm qua và bán nó cho công chúng trên mạng.

Đã đến lúc cả ngành công nghiệp và bản thân người tiêu dùng đều nhận ra rằng cần phải thay đổi.

thoi trang anh 2

Sông Turag ở Dhaka (Bangladesh) bị ô nhiễm bởi các nhà máy sản xuất thuốc nhuộm. Ảnh: Reach

Các loại vải được sử dụng nhiều nhất trong thời trang

Polyester là loại sợi vải phổ biến nhất trong quần áo của chúng ta và về bản chất thì nó là nhựa. Polyester là tên tắt của một loại polymer nhân tạo tổng hợp, thường được gọi là polyethylene terephthalate (PET) và được làm bằng cách hòa ethylene glycol với acid terephthalic 9 (thứ này về cơ bản là một loại dầu thô).

Theo nghiên cứu của tạp chí Forbes, mỗi năm có 70 triệu thùng dầu được sử dụng để sản xuất sợi polyester. Và loại vật liệu này cần tới hơn 200 năm để phân hủy.

Cotton: 90% vải cotton ngày nay làm từ bông biến đổi gen (GMO) và loại cây trồng này tiêu thụ lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất trên thế giới, tức là tiêu tốn rất nhiều nước.

Tác động của các chất hóa học này (thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và các thuốc khác) đối với đất đai và sức khỏe con người chưa được kiểm nghiệm, nhưng chúng rất nguy hiểm cho những người làm việc trong ngành bông công nghiệp.

Các chất hóa học từ cây bông biến đổi gen ngấm trực tiếp vào mạch máu qua da, nên những người làm việc trong ngành bông có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất, cũng như bất kỳ ai sử dụng những món đồ may mặc được làm từ loại bông này.

Để tránh điều đó, bạn hãy cố tìm kiếm và mua sản phẩm vải cotton hữu cơ ở bất cứ nơi đâu nếu có thể.

Da thuộc vốn đã phổ biến từ 3.000 năm trước Công nguyên, nó không thực sự là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất thức ăn và cũng không đắt đỏ.

Theo những nhà thiết kế như Stella McCartney thì da thuộc liên quan tới rất nhiều mối đe dọa môi trường và sức khỏe con người.

Số lượng thức ăn, đất, nước và nhiên liệu hóa thạch được dùng để nuôi động vật lấy da đi kèm với một nguồn chi phí khổng lồ mà hành tinh của chúng ta phải trả.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng số lượng động vật cần thiết, quy trình thuộc da còn được xếp vào loại độc hại nhất trong toàn chuỗi cung ứng thời trang. Công nhân phải tiếp xúc với các chất hóa học độc hại và rác thải có thể làm ô nhiễm nguồn nước tự nhiên, khiến các loại bệnh như ung thư gia tăng.

Len là loại sợi truyền thống nhưng chỉ chiếm thị phần cực nhỏ, khoảng 1% và đang giảm dần trong thế giới dệt may. Khoảng 2 tỷ kg len thô được sản xuất từ lông của 1,2 tỷ con cừu, mỗi con cung cấp khoảng 4,5 kg len mỗi năm.

Con số đó tương đương với một chiếc áo len dày cho mỗi một người trên hành tinh này mỗi năm.

Vì nhu cầu dùng len giảm và nhu cầu dùng sợi tổng hợp tăng lên, nên vào những năm 1970, con người bắt đầu tìm kiếm công nghệ biến len thành một loại sợi dễ giặt và có thể sấy khô. Từ đó dẫn đến việc sản xuất len được xử lý qua những bể acid và nhiều quy trình độc hại khác. [...]

Một số nhà môi trường đã chỉ ra rằng cừu được nuôi để lấy len cũng góp phần tác động tới biển đổi khí hậu vì chúng đe dọa tới nguồn đất, không khí và nước.

Lụa: Trong hàng trăm năm nay, chất liệu lụa rất quan trọng đối với nhiều sản phẩm thời trang và thường được coi là xa xỉ. Loại vải tinh tế này từ thời xa xưa đã được làm từ sợi protein tự nhiên vốn là tơ của con tằm và sau đó được dệt thành vải.

Đây là loại vật liệu có khả năng tái tạo cao và có thể phân hủy sinh học khi hết vòng đời.

Nhưng khi lụa trở thành hàng thông dụng, những con tằm thời nay được cho ăn loại lá dâu phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón để phát triển.

Daisy Kendrick/Tân Việt Books và NXB Dân Trí

https://zingnews.vn/cau-chuyen-bi-an-cua-nganh-thoi-trang-post1324600.html

zingnews