Triển vọng kinh tế châu Phi

Nhà máy dệt may ở Ghana. Ảnh UN

Châu Phi hy vọng thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng 3,8% vào năm 2022, nhờ sản xuất nông nghiệp phong phú ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế ở nam sa mạc Sahara châu Phi (SSA), khu vực vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, vào năm 2022 sẽ được định hình nhờ các nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Báo cáo "Phục hồi trong đại dịch" của IMF cho thấy, năm 2022, 25 nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Phi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn 5%. 10 nền kinh tế châu Phi hoạt động tốt nhất là Seychelles, dự kiến tăng trưởng 7,7%, Rwanda (7,0%), Mauritius (6,7%), Niger (6,6%), Benin, Cabo Verde, Nam Sudan và Côte d’Ivoire mỗi nước sẽ tăng 6,5%, trong khi Guinea và Ghana sẽ tăng lần lượt là 6,3% và 6,2%. Kenya và Gambia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 6% vào năm 2022. Dự báo cho năm 2023 cho thấy, các quốc gia này cũng sẽ có mức tăng trưởng gần như ổn định, ngoại trừ Rwanda và Niger, mức tăng trưởng sẽ lần lượt đạt 8% và 10% vào năm 2023. Senegal, quốc gia có mức tăng trưởng vào năm 2022 dự kiến đạt 5,5%, sẽ là quốc gia thứ hai ở châu Phi đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm 2023, đạt 10,8%. Ngoài Ethiopia (chưa có dự báo), Guinea Xích đạo là quốc gia duy nhất của châu Phi sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm 5,6% vào năm 2022 và âm 1,5% vào năm 2023.

Ngành lữ hành và du lịch ở một số quốc gia châu Phi được dự báo có thể phục hồi vào năm 2022 nhưng đà phục hồi còn hạn chế tùy thuộc vào thị trường nguồn du lịch. Ðể hỗ trợ lĩnh vực này, Cộng đồng Ðông Phi (EAC) đã khởi động Chiến dịch Truyền thông du lịch nội địa và khu vực nhằm tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ du lịch trong nước và khu vực. Với tên gọi "Tembea Nyumbani" (tiếng Swahili sử dụng phổ biến tại Ðông Phi, nghĩa là "Về nhà"), chiến dịch này nhằm khuyến khích người dân Ðông Phi đi du lịch trong nước và khắp khu vực nhằm hỗ trợ hồi sinh ngành "công nghiệp không khói" sau đại dịch. Ðể tăng cường thương mại, EAC đang xây dựng và vận hành thêm các Ðiểm Biên giới một cửa (OSBP) trong khu vực, xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn và bổ sung Tanzania và Burundi vào Khu vực Mạng lưới một cửa của EAC.

Các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa châu Phi cũng có thể kỳ vọng một năm mới hoạt động tốt do bùng nổ hàng hóa. Các công nghệ dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi ở châu Phi vào năm 2022 khi khu vực này tiếp tục quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ðầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như giáo dục và đào tạo, là tiền đề cần thiết để hưởng lợi đầy đủ từ cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Ðể tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính, ngân hàng liên châu lục, tháng 9/2021, Ngân hàng Xuất, nhập khẩu châu Phi và Ban Thư ký Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) thông báo "Hệ thống thanh toán và thỏa thuận Liên Phi" (PAPSS) đã đi vào hoạt động. PAPSS cho phép thanh toán xuyên biên giới ngay lập tức bằng đồng nội tệ giữa các thị trường châu Phi trong một động thái nhằm đạt mục tiêu Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính đổi mới. Hệ thống này được đánh giá sẽ tác động đáng kể đến thương mại nội khối của châu Phi bằng cách giúp các giao dịch xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn thông qua việc loại bỏ tiền tệ cứng. PAPSS mở ra một thị trường 1,2 tỷ người với GDP kết hợp ước tính 3.000 tỷ USD. Ðây là một tiềm năng rất lớn và nếu được thực hiện thành công, châu Phi có thể trở thành một nền kinh tế khổng lồ và không chỉ dựa vào ngành công nghiệp khai thác.

Các cơ hội và triển vọng đã mở ra với nền kinh tế châu Phi, song châu lục này còn chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh biến thể Omicron đang mở rộng phạm vi lây lan và hơn 80% trong tổng số 1,2 tỷ người ở châu Phi chưa tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên, "lục địa đen" tiếp tục chịu áp lực từ nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch mới. Việc "phủ sóng vắc-xin" sẽ là thách thức đối với châu Phi và gắn liền với sự phục hồi kinh tế của châu lục.

Ðan Anh

https://nhandan.vn/thegioi/trien-vong-kinh-te-chau-phi-682747/

nhandan