“Sau biến đổi khí hậu, ngày nay “đa dạng sinh thái” là mục tiêu tiếp theo của ngành thời trang bền vững”, McKinsey

Ảnh: McKinsey and Company

Vấn đề biến đổi khí hậu đang là một chủ đề kích thích tư duy và được thảo luận rộng rãi trong lĩnh vực thời trang bền vững. Tuy nhiên, theo McKinsey & Company –  công ty tư vấn quản lý nổi tiếng của Mỹ- việc mất đa dạng sinh học là một khía cạnh khác quan trọng hơn cần phải được xem xét, thảo luận và quan tâm để tìm ra các giải pháp thực tế. Bởi vì việc mất đa dạng sinh học này đang suy giảm nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử phát triển loài người, vậy nên xu hướng này phải được giảm tốc càng sớm càng tốt.

Tại sao lại nghĩ về ‘đa dạng sinh học’ giữa một trận đại dịch?

Ngay cả giữa đại dịch Covid-19, tính bền vững vẫn là một trong những vấn đề phổ biến nhất được người tiêu dùng, các nhà đầu tư và các nhà quản lý quan tâm nếu không muốn nói là nhiều nhất. Tâm lý người tiêu dùng cho thấy 2/3 trong số họ nhận thức rõ hơn về biến đổi khí hậu và điều này  càng quan trọng hơn đối với họ kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phía McKinsey cũng cho biết biến đổi khí hậu không phải là chủ đề duy nhất được thảo luận.

McKinsey đã viết, “Trong khi phần lớn các bài viết viết về tác động của ngành thời trang đối với biến đổi khí hậu, thì tác động nặng nề của ngành đối với đa dạng sinh học lại ít được biết và đề cập đến”. Lý do tại sao đa dạng sinh học lại quan trọng? Đó là chúng ta trước giờ vẫn luôn liên hệ chặt chẽ đa dạng sinh học với thực phẩm, năng lượng, chất lượng không khí, nước ngọt, đất trồng và điều hòa khí hậu. Nhưng không may, sự đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.

McKinsey cho biết, “Một triệu loài, khoảng 12% đến 20% tổng số loài sinh vật ước tính trên trái đất, cả dưới nước và trên cạn, đang bị đe dọa tuyệt chủng.” Tỷ lệ mất đa dạng sinh học toàn cầu hiện nay được ước tính cao hơn 100 đến 1000 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng thông thường và dự kiến sẽ vẫn tăng trong những năm tới.

Ai chịu trách nhiệm cho sự mất đa dạng này?

Theo công ty tư vấn toàn cầu này, ngành công nghiệp may mặc có tác động lớn đến sự mất đa dạng sinh học. Công ty đã viết: “Các chuỗi cung ứng trang phục có liên quan trực tiếp đến suy thoái đất, chuyển đổi hệ sinh thái tự nhiên và ô nhiễm nguồn nước”. Nhưng các ngành công nghiệp cũng đã đưa ra các ý tưởng và dần dần thực hiện để khắc phục những thiệt hại mà họ đã gây ra.

Giải pháp là gì?

Trong bài báo xuất bản ngày 23/ 7, công ty đã xem xét đánh giá những đơn vị, tổ chức trong ngành công nghiệp may mặc góp phần nhiều nhất cho sự mất đa dạng sinh học, những phương án để các công ty có thể giảm thiểu sự mất mát đó một cách chiến lược và những hành động mà các thương hiệu có thể triển khai để nỗ lực khôi phục đa dạng sinh học của ngành.

Dựa trên phân tích của mình, công ty đã xác định được 5 tiểu ngành đóng góp lớn nhất vào việc mất đa dạng sinh học của lĩnh vực may mặc. Đó là: nông nghiệp trồng bông, sợi tự nhiên từ gỗ / sợi xenlulo nhân tạo (MMCFs), nhuộm và xử lý sản phẩm dệt sợi, sợi vi nhựa và chất thải.

Để giảm thiểu tổn thất một cách có chiến lược, họ đã kiến nghị các thương hiệu thực hiện những đề xuất sau:

Nâng cấp quy trình sản xuất và sử dụng vật liệu sáng tạo: Bông – một loại sợi có vẻ vô tội nhưng lại có tác động tiêu cực bởi mối liên hệ của nó với thuốc trừ sâu, việc tiêu thụ và ô nhiễm nguồn nước; chưa tính đến nguyên liệu tổng hợp và xenlulo nhân tạo. Đó là lý do tại sao các giải pháp thay thế bền vững hơn và tốt hơn phải được đưa ra. Cần đầu tư nhiều hơn và đổi mới để triển khai các quy trình bền vững hơn.

Giữ lập trường tích cực chống ô nhiễm nguồn nước: Các thương hiệu cũng phải có “lập trường tích cực” chống lại vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Vì nhiều nhà cung cấp ở các nước đang phát triển đang thiếu các nguồn lực và kiến thức trong việc giám sát việc sử dụng hóa chất nên ít nhất họ cần tuân thủ các quy định Zero Discharge of Hazardous Chemicals (Không xả thải hóa chất nguy hiểm), Manufacturing Restricted Substances List (ZDHC MRSL) “Danh sách các chất hạn chế trong sản xuất (ZDHC MRSL) và Wastewater Guidelines (Hướng dẫn về xử lý nước thải), đây là những quy định về việc sử dụng các hóa chất độc hại và xả thải nước thải.

Đi đầu trong việc nâng cao nhận thức và trao quyền cho người tiêu dùng: Các thương hiệu có thể giúp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về trách nhiệm của họ để giảm thiểu các tác động đối với mất đa dạng sinh học. Những điều chỉnh trong hành vi và lựa chọn tiêu dùng có thể mang lại kết quả đáng kể. Theo một nghiên cứu của Chương trình Hành động vì Tài nguyên & Chất thải năm 2012, việc sử dụng một trang phục trên 9 tháng có thể giảm 27% lượng khí thải carbon liên quan, 33% lượng nước và 22% rác thải.

Không ngừng theo đuổi mục tiêu “Không rác thải”: Để bảo vệ đa dạng sinh học, một trong những biện pháp tốt nhất đối với ngành may mặc là ngừng sản xuất quá nhiều quần áo. Mặc dù các nhà sản xuất tái chế khoảng 75% rác thải hậu tiêu dùng nhưng 25% còn lại chủ yếu được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc đốt – những sản phẩm không bao giờ được sử dụng mặc dù số đó có thể đem quyên góp.

McKinsey kỳ vọng rằng trong những năm tới chủ đề đa dạng sinh học sẽ trở thành mối quan tâm lớn hơn đối với người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Công ty cho biết: “COVID-19, thay vì làm giảm sự quan tâm con người đối với đa dạng sinh thái, ngược lại đã thúc đẩy nó – có lẽ bởi vì mọi người giờ đây đều hiểu một cách sâu sắc rằng hệ sinh thái của con người và động vật phụ thuộc lẫn nhau”. Họ nghĩ rằng đã đến lúc ngành công nghiệp may mặc, vốn góp phần lớn vào việc mất đa dạng sinh học, cần khắc phục hậu quả và khôi phục một thế giới an toàn hơn cho nhân loại.

https://vinatex.com.vn/sau-bien-doi-khi-hau-ngay-nay-da-dang-sinh-thai-la-muc-tieu-tiep-theo-cua-nganh-thoi-trang-ben-vung-mckinsey/

Nguồn: vinatex.com.vn