Sản phẩm của Victoria's Secret bị vứt ở bãi rác và góc khuất của ngành công nghiệp thời trang

Melanie Gelinas xách những túi rác ra khu vực tập kết rác thải nằm gần căn hộ cô đang sinh sống tại thành phố Centennial, bang Colorado (Mỹ). Tình cờ, cô phát hiện ra một vài chiếc áo ngực bị vứt bừa bãi trên mặt đất, gần khu vực đổ rác thải. Khi tiến lại gần hơn, cô ngạc nhiên khi nhận ra rằng, có hàng đống áo ngực bị vứt đi một cách không thương tiếc tại đó. Tất cả đều mang thương hiệu Victoria's Secret.

“Tôi thấy phải có đến hàng trăm chiếc”, Gelinas chia sẻ với tờ 9News.

“Tất cả sẽ được vận chuyển đến bãi rác của thành phố. Hoặc chúng cũng có thể được những người vô gia cư sử dụng”, cô chia sẻ thêm. “Tôi cảm thấy đó là một sự lãng phí”.

Người phát ngôn của thương hiệu Victoria’s Secret xác nhận rằng đó chính là những sảm phẩm bị thải loại từ một cửa hàng của hãng mới đóng cửa trong thời gian gần đây.

“Chúng tôi xin lỗi vì những gì mà mọi người đã chứng kiến”, người phát ngôn viết trong một email gửi đến Business Insider. “Vì cửa hàng đó đã đóng cửa, chúng tôi buộc phải thải loại những sản phẩm trưng bày. Tất cả những sản phẩm lưu giữ trong kho đã được phân phối cho các cửa hàng khác”.

5c818b672628986d9a135d33-9845-1581864921

Bên trong một cửa hàng Victoria's Secret. Ảnh: BI

Bí mật “xấu xa” của ngành thời trang

Sự việc lần này là bằng chứng không thể chối cãi cho một “chiến thuật” mà nhiều nhà bán lẻ đã và đang áp dụng. Họ chọn cách vứt bỏ những sản phẩm mà họ cho rằng không có khả năng thương mại, thay vì khả năng khả dụng của chúng. Họ cũng không áp dụng hình thức quyên góp đối với các sản phẩm đó. Một vài nhãn hiệu nổi tiếng từng bị chỉ trích mạnh mẽ vì áp dụng những chính sách tương tự trong quá khứ.

Năm 2017, một người dân thành phố New York phát hiện ra một túi rác chứa đầy những đôi giày mang thương hiêu Nike, bị vứt bỏ bên ngoài một cửa hàng của hãng tại Soho. Đáng buồn hơn, những đôi giày đó bị rạch một đường sắc lẹm từ mặt trước ra mặt sau, khiến chúng không còn khả năng sử dụng. Nike không đưa ra lời giải thích cho sự việc trên, nhưng công ty này cho biết những sản phẩm đó không phù hợp với mục đích bán lại hoặc quyên góp, do đó, chúng bị vứt bỏ.

Công ty thời trang Eddie Bauer vấp phải hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội vào năm 2017 sau khi một khách hàng chia sẻ bức ảnh ghi lại cảnh hàng đống những chiếc áo khoác có giá từ 200 đến 400 USD bị cắt nát và vứt tại một bãi rác bên ngoài một cửa hàng của hãng ở thành phố New York. Sau đó, Eddie Bauer xác nhận vụ việc nhưng cho biết rằng đó không phải là chính sách của công ty.

Các nhãn hiệu nổi tiếng thường áp dụng những biện pháp “cực đoan” này nhằm ngăn cản việc những sản phẩm của họ xuất hiện trong các cửa hàng từ thiện hoặc các kênh phân phối hàng giảm giá, với mục tiêu bảo vệ hình ảnh thương hiệu.

1000x-178-1447-1581864921.jpg

Nhiều thương hiệu nổi tiếng chọn cách tiêu hủy sản phẩm thay vì giảm giá hay làm từ thiện. Ảnh: Bloomberg

Trong một vài trường hợp, các cửa hàng thậm chí còn đốt những sản phẩm tồn dư với mục đích không để lọt sản phẩm của mình vào các kênh bán hàng kể trên. H&M trước đó đã gửi các sản phẩm tồn kho của mình đến một nhà máy nhiệt điện tại Thụy Điển, nơi các sản phẩm như quần áo sẽ được đốt thay cho than đá để tạo ra năng lượng. Công ty này cho biết trong đó không bao gồm sản phẩm có thể sử dụng được. Họ chỉ gửi đi những sản phẩm không an toàn đối với người tiêu dùng.

Các thương hiệu xa xỉ lại là những đơn vị áp dụng những biện pháp cực đoan này nhiều nhất. Tháng 7/2018, công ty thiết kế thời trang nổi tiếng của Anh - Burberry tiết lộ trong một báo cáo doanh thu rằng công ty đã cho tiêu hủy một lượng quần và phụ kiện tồn dư có giá trị lên đến 37 triệu USD nhằm bảo vệ thương hiệu của mình. Thông tin trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt trên mạng xã hội, Burberry sau đó phải ra thông báo rằng công ty sẽ chấm dứt áp dụng quy trình này.

Nếu như không được tái sử dụng, hoặc dùng cho mục đích từ thiện, chi phí môi trường cho các sản phẩm thời trang bị vứt bỏ hoặc tiêu hủy trên là rất lớn. 

11,8 triệu tấn hàng may mặc bị vứt ra bãi rác mỗi năm

Bạn có biết rằng phải mất đến 2.700 lít nước mới có thể sản xuất ra một chiếc áo phông cotton? Điều này đã khiến ngành sản xuất hàng may mặc trở thành ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều thứ 2 sau ngành công nghiệp dầu mỏ, theo Diễn đàn kinh tế thế giới. Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ ước tính rằng 11,8 triệu tấn hàng dệt may bị vứt bỏ tại bãi rác mỗi năm. Trong đó, một số mặt hàng làm từ vải khó phân hủy.

Việc đốt các sản phẩm thời trang cũng không phải là một giải pháp tốt. Quá trình này phát thải ra khí CO2 và nhiều khí nhà kính khác, làm trầm trọng thêm thực trạng Trái Đất nóng lên. Fast Company gần đây đã chỉ ra rằng việc đốt quần áo có thể phát thải ra nhiều khí CO2 hơn khi sản xuất ra 1 MW điện, so với than đá và khí đốt thiên nhiên.

Trong tháng 2/2019, Ủy ban môi trường của Quốc hội Anh đã công bố một báo cáo về tình hình thương mại của ngành dệt may cũng như những mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Theo đó, bản báo cáo đề cập đến những vấn đề nổi cộm như việc đốt bỏ các sản phẩm thời trang, và những tác hại của hành động đó đối với sức khỏe của con người khi hành động này “sản sinh ra nhiều khí thải và gây ô nhiễm không khí”.

Cơ quan này đã thúc giục các cơ quan chức năng ban hành các lệnh cấm đối với hành động đốt bỏ quần áo, vì đây có thể là mong muốn của nhà sản xuất, nhưng lại mang lại những thiệt đơn, thiệt kép đối với xã hội cũng như môi trường. 

Nguồn: ndh.vn