'Ra trận' với tâm thế mới

Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch

Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch

TP - Dù đối mặt với không ít khó khăn, cộng đồng các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM đã mạnh dạn khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, với tâm thế mới sau khi tâm dịch COVID-19 của cả nước cơ bản được kiểm soát.

Khôi phục, mở rộng sản xuất

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA)

'Ra trận' với tâm thế mới ảnh 1

Ngành gỗ tại TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai còn hơn 130.000 lao động chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 khiến việc mở lại nhà máy của các doanh nghiệp gỗ gặp khó khăn. HAWA đang tìm nhiều hướng để tìm kiếm nguồn vắc-xin tiêm cho người lao động. Đây là vấn đề rất cấp bách bởi đơn hàng xuất khẩu còn rất lớn.Các DN ngành gỗ đang sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến tháng 12/2021, các hội viên có thể phục hồi được 60-70% công suất nhưng HAWA vẫn đang chuẩn bị các kế hoạch để kết nối với các khách hàng nước ngoài.

Việc đi lại giữa TPHCM và các tỉnh lân cận còn hạn chế nên cũng gây khó khăn cho các DN, doanh nhân, người lao động đi lại làm việc, khôi phục sản xuất vì đặc thù ngành gỗ, nhà máy thường nằm xa khu dân cư, chủ yếu là tại các tỉnh lân cận TPHCM.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3

'Ra trận' với tâm thế mới ảnh 2

Để giữ nhịp sản xuất, thời gian qua, công ty phải thường xuyên liên lạc với khách hàng, kiểm tra tiến độ giao hàng và ưu tiên thực hiện những đơn hàng phải xuất ngay. Trong tháng 9, công ty đã tái khởi động bằng cách tổ chức cho một bộ phận công nhân thực hiện "3 tại chỗ" để hoàn tất những đơn hàng xuất khẩu dang dở, đồng thời phát triển mẫu mã, kết nối trực tiếp với nhà cung cấp, chuẩn bị trước các khâu để khi TPHCM mở cửa là có thể tăng tốc ngay.Đầu năm 2021, các DN ngành dệt may lạc quan sẽ có nhiều thuận lợi vì kinh tế thế giới phục hồi, đơn hàng dồi dào nên đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị, tuyển thêm lao động... Mọi việc thuận lợi cho đến khi dịch bùng phát.Nếu không bùng phát dịch, doanh thu của công ty có thể tăng đến 20%-30%.

Hiện giờ khoảng 60% công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin, 30% đã tiêm 1 mũi nên DN có điều kiện thuận lợi phục hồi 100% công suất trong giai đoạn sản xuất an toàn sau 30/9. Các thành viên của Hội cũng đang ráo riết chuẩn bị để đón người lao động trở lại và sẽ đồng loạt hoạt động sau khi được thẩm định về độ an toàn phòng chống dịch. Đơn hàng của các DN cũng khá dồi dào nên việc gia tăng sản xuất sẽ diễn ra trong Quý 4/2021.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TPHCM

'Ra trận' với tâm thế mới ảnh 3

TPHCM có 1.500 nhà máy, DN lớn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch thì có 700 nhà máy áp dụng "3 tại chỗ" với 70.000 công nhân để tiếp tục sản xuất. Trong thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều DN rất quyết liệt với nhiều chế độ phúc lợi để giữ chân công nhân lao động tiếp tục sản xuất. Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD. Điều này cho thấy quyết tâm của các DN vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu vừa giữ chân người lao động.

Trong số 700 DN hoạt động “3 tại chỗ”, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục muốn mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Hiện nay có khoảng 43.000 công nhân đang sinh sống ở khu vực Đông Nam Bộ đã được TPHCM tiêm mũi 1 vắc-xin đủ 12 tuần, cần tiêm thêm mũi 2 để họ được cấp thẻ xanh COVID sớm tham gia sản xuất. Tiêm vắc-xin cho người lao động là biện pháp tốt nhất để phục hồi sản xuất.

Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, hiện nay nhiều DN đã chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại. Chính quyền, người dân và DN cần phải đồng hành để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” Chính phủ đề ra trong bối cảnh bình thường mới.

Cần chính sách hỗ trợ bền vững hơn

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn

'Ra trận' với tâm thế mới ảnh 4
Với những người lao động của công ty không tham gia "3 tại chỗ" đang ở nhà, ở trọ,… chúng tôi cũng giúp đỡ như đi chợ hộ để người lao động hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm ở nhà phòng chống dịch. Trong suốt đợt dịch, toàn công ty có 15 ca F0 cả ở nhà và ở công ty. Tuy nhiên, do đã được tiêm vắc-xin cho người lao động từ rất sớm nên các ca F0 đều đã hồi phục sức khỏe.Từ ngày 1/10, 300 lao động của công ty đã quay lại làm việc sau khi mọi khâu chuẩn bị an toàn phòng chống dịch đã được thực hiện kỹ, chỉ có khoảng 20 lao động đã về quê và sẵn sàng quay lại nhà máy trong vài ngày tới. Công ty có tổng cộng 400 lao động, khi thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì có 200 lao động tham gia. Chúng tôi nhận thấy nếu chăm lo không tốt cho người lao động thì sau đại dịch, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ rất lớn. Vì thế, khi thực hiện "3 tại chỗ", ban lãnh đạo công ty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động. Công ty chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn, thêm rau, thêm trái cây để tăng cường sức khỏe cho người lao động.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn

'Ra trận' với tâm thế mới ảnh 5

Có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm: lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Hai nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỷ lệ dịch chuyển thấp. Tuy nhiên, cả 4 nhóm này đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian, không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không đảm bảo 5K, phát sinh rất nhiều F0, F1. Trong môi trường như vậy, nhiều người lao động muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do (người từ các tỉnh, thành chiếm từ 70%-80%). Họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ cũng chậm. Việc tiêm vắc-xin cũng đi sau các nhóm lao động khác.Đầu tháng 9, chúng tôi gồm một nhóm khoảng 300 DN, đa số sản xuất công nghệ phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật đã có cuộc khảo sát để chuẩn bị nhân lực cho tháng 10. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% lao động muốn trở lại làm việc sau khi TPHCM mở cửa.

Đến nay, chúng ta chưa có dữ liệu về số người lao động tự do đang làm việc tại TPHCM, rất cần xây dựng dữ liệu về các nhóm này. Mặt khác, từ thực trạng nơi ở không bảo đảm của người lao động, trong thời gian tới, TPHCM cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do. Mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc sẵn sàng được điều trị khiến lao động an tâm hơn rất nhiều.

Huy Thịnh (ghi)

https://tienphong.vn/ra-tran-voi-tam-the-moi-post1383512.tpo

tienphong