BGMEA: Giai đoạn khó khăn của ngành may mặc Bangladesh

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) bà Rubana Huq cho biết: 59 nhà máy may (nhỏ và vừa) đã đóng cửa và 25.900 công nhân bị mất việc trong bảy tháng qua. Bà cũng cho biết phần lớn những doanh nghiệp này đã thất bại trong việc tuân theo các quy định nghiêm ngặt về trả lương cho công nhân của họ theo cơ cấu tiền lương mới.

Bà Rubana Huq cũng nhấn mạnh xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh đã liên tục giảm trong những tháng gần đây trong khi các đối thủ cạnh tranh lại đang tăng trưởng trong lĩnh vực này. Trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2019, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh giảm 1,64% so với cùng kỳ xuống còn 8,05 tỷ USD trong khi thu nhập từ lĩnh vực này giảm 11,52% so với mục tiêu đề ra quý 3 là 9,10 tỷ USD. Mặt khác, các lô hàng may mặc xuất khẩu từ Việt Nam tăng 10,54% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, Ấn độ tăng 2,2% và Pakistan tăng 4,74%.

Trả lời trước báo giới bà Rubana cho biết: Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực may mặc cũng bị chậm cả về mặt đầu tư thành lập doanh nghiệp mới và mở rộng thị trường vì khách hàng trả giá sản phẩm không được cao. Người mua hiện đang hưởng lợi nhờ sự cạnh tranh về giá cả không lành mạnh giữa các nhà sản xuất hàng may mặc địa phương với các nhà sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp ở Bangladesh. “Chúng tôi cho rằng lĩnh vực này (may mặc) sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong những tháng tới. Vào cuối năm tài chính này, chúng tôi có thể mất vị trí thứ hai của mình vào tay Việt Nam trong thị trường may mặc toàn cầu, nếu chúng tôi không thể sớm lật lại xu hướng giảm này”, bà cho biết. “Sản phẩm kém sự đa dạng, kinh doanh trực tuyến gia tăng, các cửa hàng bán lẻ ở các nước phương Tây đóng cửa hàng loạt, tiêu thụ hàng may mặc toàn cầu giảm 1,2% đúng như dự đoán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tất cả những điều này là nguyên nhân chủ yếu của xu hướng giảm tăng trưởng ở Bangladesh”, bà Rubana nói.

Quan trọng hơn nữa là Bangladesh phụ thuộc nhiều vào sợi bông trong khi nhu cầu về các mặt hàng may mặc làm từ sợi nhân tạo trên thế giới lại đang gia tăng. Giám đốc BGMEA cho biết các nhà máy vừa và nhỏ đang bị đóng cửa do thiếu sự hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng. Phân tích của BGMEA cho thấy, xuất khẩu hàng may mặc giảm 17,68% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 572 triệu USD trong quý đầu tiên trong khi giá chỉ tăng 2,54%. Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bà Rubana cho biết Bangladesh vẫn chưa được hưởng lợi từ tranh chấp này, trong khi những nước khác đang âm thầm phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm của họ. Mặt khác, Bangladesh đang mất đi hoạt động kinh doanh may mặc cơ bản, thì Việt Nam, Myanmar và Ethiopia hiện vẫn đang nhận được các đơn hàng. BGMEA đã đệ trình một loạt các đề xuất tới Ngân hàng Bangladesh để đảm bảo cho sự hồi sinh của ngành may mặc, bà nói thêm. BGMEA đề xuất chính phủ phá giá đồng nội tệ  xấp xỉ 2 Tk (Taka- Tk: đồng tiền của Bangladesh), việc thực hiện phá giá này sẽ khiến nước này mất gần 1.850 Tk. BGMEA cũng kêu gọi hỗ trợ 1 phần trăm nhằm khuyến khích xuất khẩu và có hiệu lực ngay lập tức, giảm thuế 0,25% thuế kể từ tháng 7, tăng gấp đôi thời gian gia hạn cho vay đối với 133 nhà máy may yếu kém hiện tại và phân bổ quỹ cho hiện đại hóa và nâng cấp công nghệ của các nhà máy.

Hiệp hội sẽ sớm gặp gỡ các thành viên cao cấp của Chính phủ để đưa ra yêu cầu của mình, bà Rubana tuyên bố.

Nguồn: vinatex.com.vn